Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 13/5/2024 14:1'(GMT+7)

Đồng chí Đào Duy Tùng - người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày Diễn văn Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày Diễn văn Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng.

Sáng 13/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024).

Dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Lê Xuân Tùng, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Phạm Quang Nghị, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Dự Lễ Kỷ niệm còn có các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành phố: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Đà Nẵng; các đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu thanh niên xung phong; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Đào Duy Tùng; đại biểu đại diện văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô...

Lễ Kỷ niệm vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm.

NHÀ LÃNH ĐẠO VỚI TƯ DUY ĐỔI MỚI VÀ TẦM NHÌN TRÍ TUỆ CAO

Sau chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng”, trong Diễn văn Kỷ niệm do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày đã nêu rõ, đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng ta.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Cổ Loa là địa phương đầu tiên phát động khởi nghĩa của tỉnh Phúc Yên và cũng là xã phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất của huyện Đông Anh (ngày 17/8/1945).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm nhìn trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng giai đoạn trước và trong thời kỳ đổi mới. Suốt quá trình công tác trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng (từ năm 1955 đến năm 1998), trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đồng chí luôn thể hiện rõ phẩm chất cách mạng, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân,... Đồng chí cũng là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng đường lối đổi mới từ những năm 1980. Từ các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán một trăm” rồi “khoán mười”, đến Cương lĩnh đổi mới năm 1991, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đã góp công xây dựng bản “Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế”. Nội dung của bản kết luận này được đưa vào Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng, đánh dấu sự đổi mới rất căn bản về tư duy phát triển kinh tế của Đảng ta...

Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm.

NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN

Diễn văn Kỷ niệm cũng nêu rõ, từ năm 1992 đến 1995, với cương vị Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng đã chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình quốc gia các bộ môn: Khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,...; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối và nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng.

Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đồng chí đã dành trọn tâm sức, trí lực của mình cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng.

Từ tổng kết thực tiễn, Đồng chí Đào Duy Tùng đã viết nhiều công trình có giá trị lý luận sâu sắc như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”,... Những cuốn sách cũng như tư tưởng, lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện rõ 3 nội dung: Một là, nắm vững lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới, với tinh thần độc lập, tự chủ, biện chứng, sáng tạo; Hai là, luận chứng khoa học về tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; Ba là, góp phần làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu quý giá phục vụ tổng kết 20 năm đổi mới (1986 - 2006), 30 năm (1986 - 2016) và hiện nay phục vụ cho tổng kết 40 năm, qua đó Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng; đồng thời góp phần phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, trong đó công tác tư tưởng - lý luận của Đảng tiếp tục được đổi mới, phát triển, đáp ứng yêu cầu bối cảnh tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày Diễn văn Kỷ niệm.

Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo công tác báo chí tài năng, đồng thời là nhà báo lớn của Đảng. Với 17 năm (từ năm 1965 đến 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí đã có công đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện, trở thành ngọn cờ lý luận và chính trị tiên phong của Đảng. Là một nhà báo lớn với ngòi bút sắc sảo, vốn tri thức uyên bác, bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết hàng trăm tác phẩm báo chí chính luận có giá trị lớn đối với thực tiễn. Mỗi bài viết đều có lý luận chặt chẽ, văn phong ngắn gọn, trong sáng, có phong cách đặc sắc, riêng biệt; nội dung bài viết sâu sắc, có tính giáo dục, thuyết phục, đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực, luôn tìm cái mới, phát hiện cái mới và trân trọng cái mới; được truyền bá sâu rộng, góp phần định hướng tư tưởng trong Đảng và trong xã hội...

Đồng chí luôn thể hiện là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, các nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến công tác nghiên cứu dư luận xã hội và báo chí,...

Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm.

“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tri ân những cống hiến của Đồng chí đối với Đảng, với nhân dân, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về Thủ đô Hà Nội, nơi sinh ra những người con ưu tú đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Học tập, noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các bậc tiền bối và các thế hệ đi trước”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

“Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng - lý luận. Đây là một lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại nhiều ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc. Chúng tôi, những thế hệ đi sau, lớp học trò của đồng chí Đào Duy Tùng, đã học tập được rất nhiều điều tốt đẹp từ đồng chí Đào Duy Tùng...”.

(“Lời tựa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho lần xuất bản cuốn sách “Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới” của đồng chí Đào Duy Tùng).

Thay mặt thế hệ trẻ Thủ đô Hà Nội phát biểu tại buổi lễ, Đoàn viên Chu Hoa Bảo Trâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Thành Đoàn, Đoàn viên Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ, tấm gương đạo đức và những đóng góp to lớn của đồng chí Đào Duy Tùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc nhắc nhở lớp thanh niên hôm nay ý thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và khát vọng cống hiến cho đất nước.

Đại diện thế hệ trẻ Thủ đô phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Đoàn viên Chu Hoa Bảo Trâm nhấn mạnh, tuổi trẻ Thủ đô nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn đức, luyện tài; luôn xung kích, dấn thân, đi đầu trong nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết thực hiện hiệu quả các phong trào, hành động cách mạng; sẵn sàng vì cộng đồng, nỗ lực phấn đấu, để trở thành những công dân “vừa hồng, vừa chuyên”, “người cộng sản trẻ tuổi” ưu tú nhất, tiêu biểu nhất để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng.

Tuổi trẻ Thủ đô cũng sẽ tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cùng các cấp, ngành và toàn xã hội tạo mọi điều kiện để mỗi người trẻ có cơ hội, có môi trường rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xứng đáng là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần hiện thực hoá khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.../.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật tại Lễ Kỷ niệm với chủ đề “Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 9/1945 đồng chí Đào Duy Tùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa, sau đó được huyện cử đi tham gia thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng trong huyện Đông Anh.

Tháng 6/1946, Đồng chí là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947 là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Kim Anh, rồi được điều về phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9/1948 là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949 là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 2/1950, Đồng chí được điều về công tác tại Khu ủy Việt Bắc. Thời kỳ Chiến dịch biên giới, được cử giao nhiệm vụ làm Phó trưởng Ban huy động dân công.

Tháng 9/1951, Đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ tháng 1/1953 được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn của nhà trường. Tháng 5/1955 được phân về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương; tháng 1/1956 là Phó vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Huấn học. Tháng 12/1962 được cử làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ năm 1965 - 1982, kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Cũng từ năm 1965 - 1980, Đồng chí kiêm Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (Trưởng ban lúc đó là đồng chí Trường Chinh).

Tại Đại hội IV (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương. Tháng 11/1980 được cử làm Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Tháng 11/1981 được bầu là Uỷ viên chính thức BCH Trung ương. Tại Đại hội V (tháng 3/1982) được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại Đại hội VI (tháng 12/1986) được bầu lại vào BCH Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988 được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội VII (tháng 6/1991), được bầu lại vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

 

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất