Thứ Bảy, 5/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 22/3/2012 17:7'(GMT+7)

Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ-HĐND-UBND tỉnh Hưng Yên cùng đông đảo các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Lê Văn Lương.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” là một trong những hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012) theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hưng Yên - một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hiến, yêu nước, chống ngoại xâm, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước, bị áp bức, bóc lột nặng nề, đồng chí Lê Văn Lương đã tham gia hoạt động yêu nước từ khi còn là học sinh Trường Bưởi và sớm trở thành hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta.

Đại biểu trình bày tham luận khoa học tại Hội thảo.


Vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã được xây dựng, phát triển tổ chức trên phạm vi cả nước. Đồng chí Lê Văn Lương được phân công hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn. Cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng: Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng… đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực tham gia tuyên truyền, giác ngộ lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin cho công nhân; mở các lớp đào tạo cán bộ, xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ. Năm 1931, đồng chí bị địch bắt và kết án tử hình. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới, đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Vượt qua đòn roi tra tấn, giam cầm đày ải trong xà lim án chém của nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản.

Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, người chiến sĩ cộng sản Lê Văn Lương đã tham gia chi bộ Đảng bí mật của nhà tù, tổ chức, động viên anh em tù chính trị vừa đấu tranh, vừa tranh thủ học tập, rèn luyện, để nâng cao nhận thức lý luận cách mạng. Trong thời gian gần 15 năm (từ 1931 đến 1945), đồng chí Lê Văn Lương đã bị giam giữ, đày ải trong các nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp: Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn đảo trở về. Không có một ngày nghỉ ngơi, đồng chí tham gia Xứ uỷ Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1946, đồng chí được điều ra Bắc giúp đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh về công tác báo chí và xuất bản. Sau đó, đồng chí được Đảng tin cậy giao giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, như: Bí thư Văn phòng Ban Thường vụ Trung ương; Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bí thư Khu uỷ khu Tả Ngạn; Chánh Văn phòng Trung ương; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ươg Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên đại diện gia đình đồng chí Lê Văn Lương.


Đồng chí Lê Văn Lương là một trong những người con ưu tú của quê hương Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận: “có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”.

Tình cảm của đồng chí Lê Văn Lương với quê hương Hưng Yên luôn sâu đậm, gắn bó. Ngay từ khi tiếp thu ánh sáng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lê Văn Lương đã đem nhiệt huyết vận động tuyên truyền giác ngộ thanh niên, học sinh ở quê nhà. Những lần về thăm quê hương, đồng chí thường dành nhiều thời gian quan tâm thăm hỏi, gặp gỡ đồng chí, đồng bào, để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những tình cảm sâu sắc...

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức trong lúc các cấp uỷ Đảng đang tích cực triển khai, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vào cuộc sống. Thành công của Hội thảo sẽ làm tăng thêm động lực tinh thần, góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, giáo dục truyền thống và cổ vũ các tầng lớp nhân dân học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người. Do đó, Hội thảo càng có ý nghĩa sâu sắc.

PGS. TS. Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Phát biểu Kết luận Toạ đàm.

Hơn 40 báo cáo tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các nhà hoạt động chính trị, các nhà khoa học gửi tới Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, làm rõ thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Văn Lương theo tiến trình cách mạng: trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ở nước ta. Từ những minh chứng khoa học lịch sử xác thực, các tham luận đều thống nhất khẳng định đồng chí Lê Văn Lương - "người đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên, một cán bộ xuất sắc của Đảng", là một tiêu biểu về "giữ vững khí tiết của người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc".

Đặc biệt, nhiều tham luận đã đi sâu nghiên cứu, đánh giá những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương - cả trên phương diện lý luận và thực tiễn - trong lĩnh vực xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, một số tham luận đã nêu bật và đánh giá cao những công lao, cống hiến và tình cảm sâu nặng của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, đối với quê hương Hưng Yên của đồng chí./.

Đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 25/4/1995) tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong một gia đình nho học, khoa bảng, yêu nước ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng yên.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ lớp đầu của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Cả đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã nêu cao tấm gương trong sáng: với quân thù - hiên ngang bất khuất; với công việc - tận tuỵ, trung thành, liêm chính, bao giờ cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của nhân dân - chăm lo thiết thực cụ thể; với đồng chí - khiêm nhường, chu đáo, gần gũi, thân tình...; đối với bản thân - một gương sáng chói về tự phê bình, một nếp sống đặc biệt trong sáng, giản dị và khoan dung.

Ghi nhận công lao to lớn và phẩm chất cao quý của đồng chí, ngày 28/3/1991 Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.


PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất