(TCTG) -Như tin đã đưa, chiều ngày 1/10, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố Giáo sư Nguyễn Đình Tứ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD-ĐT)... Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu đánh giá sâu sắc những cống hiến lớn lao của GS Nguyễn Đình Tứ cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, đồng thời là tấm gương sáng để lại nhiều bài học quan trọng cho ngành tuyên giáo và sự nghiệp GD-ĐT của đất nước. Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu này.
Thưa các đồng chí,
Hôm nay, chúng ta tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đình Tứ - Người lãnh đạo, người Anh, người đồng chí kính yêu và thân thiết của chúng ta đã có nhiều năm công tác ở ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Khoa giáo Trung ương Đảng. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, tôi xin gửi đến các đồng chí, các vị đại biểu, GS Nguyễn Thu Nhạn và thân nhân đồng chí Nguyễn Đình Tứ lời thăm hỏi thân thiết nhất.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Thế Huynh trao tặng cho gia đình GS. Nguyễn Thu Nhạn - phu nhân cố GS. Nguyễn Đình Tứ bức ảnh cố GS. Nguyễn Đình Tứ trong buổi gặp gỡ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng với các cán bộ đã học ở Trường Quốc học Huế trong những năm 1935-1950.. Ảnh: gdtd.vn
|
Thưa các đồng chí,
Đồng chí Nguyễn Đình Tứ, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1932 trong một gia đình trí thức nghèo, yêu nước, tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã nổi tiếng là người học giỏi, thông minh. Năng lực về khoa học tự nhiên và ý thức trách nhiệm với đất nước và xã hội đã hình thành rất sớm trong đồng chí. Năm 1949, đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi còn rất trẻ. Từ năm 1951 đến giữa năm 1957, đồng chí được Nhà nước cử sang học ở Trung Quốc tại Trường Đại học Thủy lợi Vũ Hán, tốt nghiệp loại ưu và được đề nghị chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Do yêu cầu nhiệm vụ, Nhà nước đã chọn cử đồng chí lãnh đạo một nhóm gồm ba thanh niên ưu tú sang công tác nghiên cứu ở Viện liên hợp Nghiên cứu Nguyên tử Đúp na - một trung tâm khoa học lớn của Liên xô khi đó. Tại đây, đồng chí đã cùng với các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị. Năm 1961, đồng chí nhận Giải thưởng của Hội đồng Khoa học của Viện liên hợp Nghiên cứu Nguyên tử Đúp na. Năm 1968, Nhà nước Liên Xô trao tặng đồng chí Bằng phát minh khoa học về lĩnh vực hạt nhân.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học, năm 1971, đồng chí trở về nước công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy. Từ tháng 6 - 1976 đến tháng 2 - 1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Với cương vị là người đứng đầu ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đồng chí đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp đào tạo cán bộ cho đất nước. Trong đó, nổi bật là sự chỉ đạo xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo trong toàn quốc, tổ chức chi viện hỗ trợ các trường phía Nam sau khi đất nước thống nhất; tổ chức thí điểm và triển khai đào tạo sau đại học, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống, đề xuất những chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình đất nước vừa thống nhất còn gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí đã tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách quan trọng, lãnh đạo phát triển ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp; quan tâm sâu sắc đến việc học hành của con em công nhân, nông dân, gia đình chính sách, con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đông đảo sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam được gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Cùng với đẩy mạnh đào tạo ở trong nước, đã nhanh chóng hình thành đội ngũ trí thức đông đảo, có năng lực và phẩm chất tốt, giữ những vai trò quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế, giáo dục – đào tạo, khoa học - kĩ thuật, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với tài năng khoa học và năng lực quản lý, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên Tử Quốc gia ngay từ những ngày mới thành lập (năm 1984) và giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Viện cho đến năm 1996. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam có những bước khởi đầu và phát triển mạnh sau này.
Thưa các đồng chí,
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Đình Tứ được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương Đảng bầu làm Bí Thư Trung ương Đảng. Từ năm 1991 đến năm 1996, đồng chí được Bộ Chính trị giao trọng trách làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất cơ quan tham mưu của BCH Trung ương Đảng về lĩnh vực khoa giáo, đồng chí đã tập hợp trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý; lãnh đạo Ban Khoa giáo Trung ương đoàn kết, gắn bó, nỗ lực tham mưu và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, giúp Trung ương đề ra những nghị quyết, chủ trương, định hướng chiến lược quan trọng trên các lĩnh vực: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thể dục thể thao, Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Bảo vệ và chăm sóc trẻ em…
Gần 40 năm công tác từ năm 1957 đến năm 1996, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Trưởng Đoàn cán bộ khoa học Việt Nam công tác tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đúp na, Liên xô; Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Bộ Trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - kỹ thuật của Quốc hội, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa IV; Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khoá V, VI,VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khoá VIII.
Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Đình Tứ luôn thể hiện là một cán bộ gương mẫu, đức độ, sống giản dị, khiêm tốn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng đồng chí : Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 1989), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Huân chương Hồ chí Minh và nhiều phần thưởng cao quí khác.
Thưa các đồng chí,
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đình Tứ là tấm gương sáng, để lại nhiều bài học sâu sắc cho những người làm công tác Tuyên giáo về tinh thần trách nhiệm với nhân dân, với đất nước và nghị lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để vươn lên đạt đỉnh cao trong khoa học và công tác. Phẩm chất nổi bật của đồng chí Nguyễn Đình Tứ là tinh thần tự học và rèn luyện không mệt mỏi. Tài năng, nhân cách và cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Đình Tứ để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo và đội ngũ các nhà khoa học nước nhà.
Kế thừa những phẩm chất cao quý và sự nghiệp hoạt động phong phú của đồng chí Nguyễn Đình Tứ, cán bộ, nhân viên ngành Tuyên giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo nguyện nỗ lực học tập, rèn luyện để trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Tuyên giáo, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin chúc các đồng chí, các vị đại biểu và gia đình đồng chí Nguyễn Đình Tứ sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cám ơn./.