Các báo cáo tham luận tại Hội thảo tập trung đánh giá về thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở nước ta hiện nay đang ngày càng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng, trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do những chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, vừa lỏng lẻo, vừa chồng chéo, có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Từ đó, đề đạt các giải pháp và nêu rõ yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đánh giá, bổ sung hoàn thiện hơn nữa các văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là Luật An toàn thực phẩm, giúp cho công tác VSATTP được tốt hơn.
Bên cạnh đó, một số tham luận và ý kiến thảo luận của đại biểu đề cập và nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến VSATTP như: Thuốc bảo vệ thực vật đối với ATTP; những loại mối nguy từ thực phẩm; nhận diện các mối nguy điển hình; kinh nghiệm quốc tế về ATTP và bài học cho Việt Nam; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP; hiểm họa từ thực phẩm và biện pháp kiểm soát; một số vấn khác đề liên quan đến chính sách, văn bản; vai trò xã hội hóa ATTP... Đồng thời, nêu lên các nhóm giải pháp và những kiến nghị thiết thực đối với các cơ quan chức năng.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên Hiệp hội, đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu độc lập và của các đại biểu. Các ý kiến tập trung chỉ ra thực trạng VSATTP ở nước ta hiện nay và những bất cập từ chính sách, pháp luật về ATTP đang gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người và đời sống xã hội. Thể hiện rõ ở các điểm sau: như hệ thống các quy định về quản lý chất lượng VSATTP nói chung và kiểm soát VSATTP trong hoạt động thương mại nói riêng còn quá nhiều, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát VSATTP trong hoạt động thương mại chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo. Trong các văn bản quy phạm pháp luật còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo; tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP chưa cao, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng; có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ... gây khó khăn trong việc thi hành chính sách, pháp luật về VSATTPP.
Bên cạnh đó, còn những bất cập khác làm cho hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật không cao như: Phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh; thiếu nhiều quy định chi tiết, cụ thể, hoặc chưa phù hợp với nhiều loại hình hoạt động kinh doanh, khó khăn khi triển khai; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm thực phẩm, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa phù hợp, nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống quản lý chuyên ngành; năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP còn rất hạn chế; đầu tư cho công tác quản lý ATTP còn thấp so với yêu cầu thực tế, thấp xa với nhiều nước trong khu vực; phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu; chế tài xử lý không đủ sức răn đe; ý thức tôn trọng luật pháp của người dân chưa cao; một bộ phận các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh tìm kẽ hở để lách luật...
Hội thảo thống nhất chung quan điểm là: ATTP không phải là vấn đề chuyên môn sức khỏe thuần túy mà liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, hợp tác quốc tế, an ninh quốc phòng và đối ngoại của nhà nước. Công tác này phải được đầu tư nguồn lực tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Đầu tư cho ATTP phải được coi là đầu tư cho phát triển bền vững, an toàn và an sinh xã hội mà trước hết phải coi trọng đầu tư hoàn thiện các chính sách, pháp luật mới là cơ sở đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong xã hội. Đây cũng là thông điệp mà Hội thảo sẽ gửi tới các cơ quan chức năng nhằm mong muốn hoàn thiện hơn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về một lĩnh vực quan trọng đặc biệt luôn hiện hữu và liên quan thiết thực đối với con người và xã hội./.
PV