Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 26/9/2012 16:32'(GMT+7)

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Dự trữ Quốc gia và dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)

Theo nhiều đại biểu, khi Luật này được thông qua cũng sẽ kéo theo sự ra đời của một bộ máy quản lý với nhiều biên chế mới. Quốc hội cần xem xét, tính toán để làm sao giảm thiểu, không làm tăng quá nhiều biên chế. Bên cạnh đó, Luật nên bổ sung vàng vào hàng dự trữ Quốc gia. Đặc biệt, về nguồn hình thành dự trữ Quốc gia, chỉ nên huy động từ ngân sách Nhà nước, chứ không huy động các nguồn bên ngoài.

Theo đại diện UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai, khi thành lập dự trữ quốc gia đã lấy vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn này chính là thuế của doanh nghiệp và người dân đóng góp. Nếu huy động ngoài ngân sách, sẽ tạo ra phí chồng phí, thuế chồng thuế, gây khó khăn cho người dân. Trong những trường hợp Nhà nước cần huy động sức dân cho dự trữ quốc gia thì phải tiến hành vận động để xã hội tham gia một cách tự nguyện.

Luật Dự trữ Quốc gia với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Dự thảo Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sau đó dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và Quốc hội cũng đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cho sát với thực tế. Dự kiến Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào tháng 10/2012.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ngành liên quan về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất với phần lớn nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, đồng thời đóng góp ý kiến bổ sung, điều chỉnh một số điểm cần thiết ở một số điều để Luật được hoàn thiện. Tại điều 22 về “Đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản”, theo ông Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, đây là vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho lĩnh vực xuất bản thời gian qua. Bởi theo quy định, trước khi xuất bản, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận. Ông cho rằng, qui định trên sẽ tạo nên cơ chế xin – cho. Vì thế, Luật nên quy định nhà xuất bản chỉ cần đăng ký kế hoạch xuất bản đầu năm với Bộ Thông tin-Truyền thông, chứ Bộ không cần xác nhận đăng kí xuất bản, như vậy sẽ tạo sự thông thoáng và chủ động trong kinh doanh của nhà xuất bản.

Điều 24 về “Tác phẩm, tài liệu cần thẩm định nội dung trước khi đăng ký” qui định khi có dấu hiệu vi phạm thì nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký xuất bản, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng những tài liệu này phải do cơ quan chức năng đứng ra chịu trách nhiệm thẩm định để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Điều 36 của Luật cần quy định cụ thể người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động in xuất bản phẩm của đơn vị.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị bổ sung cơ quan quản lý và giám sát hoạt động xuất bản phẩm của các cơ sở in thủ công để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động xuất bản; góp ý để xác định rõ hơn những từ ngữ trong Luật, đảm bảo độ bao quát so với thực tiễn./.

Công Phong - Minh Tuấn (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất