Chiều 13-4, tại trụ sở UBND TPHCM đã diễn ra Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp du lịch năm 2017. Chương trình có sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp (DN)... Tại cuộc họp, các DN đã chia sẻ, đề đạt với lãnh đạo TP hàng loạt ý kiến đầy tâm huyết mong muốn xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu du lịch TPHCM.
Tạo điểm nhấn, hút du khách lưu trú dài ngày
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đã chỉ ra các nội dung mà ngành du lịch đang tập trung thực hiện gồm: quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các chương trình như lễ hội ánh sáng, lễ hội áo dài; tăng cường nguồn nhân lực cho ngành du lịch; kết nối các sở, ngành; nâng cao môi trường du lịch TP, trong đó có môi trường tự nhiên, an ninh trật tự… Thời gian tới Sở Du lịch TP sẽ nâng cấp trang thông tin quảng bá du lịch bằng 5 thứ tiếng để phục vụ du khách.
Hầu hết các chuyên gia về du lịch đều thừa nhận tiềm năng du lịch của TPHCM rất lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chính sách phát triển du lịch còn khá chung chung, chưa tạo được điểm nhấn. Ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT BenThanh Tourist cho rằng, du lịch TPHCM cần nâng tầm bằng một số chương trình nổi tiếng như các nước láng giềng đang làm, như “Amazing Thailand” chẳng hạn. Thêm nữa, TP cần quy hoạch các công trình trọng điểm để phát triển du lịch M.I.C.E (du lịch gắn với hội thảo, hội nghị). “Từ đầu năm 2017, chúng ta bắt đầu đón những đoàn du khách M.I.C.E rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nên nhiều lần để vuột mất cơ hội. Bên cạnh đó, nên khuyến khích phát triển các điểm du lịch vệ tinh, tạo ra các sản phẩm đa dạng, tạo chuỗi kết nối phong phú với giá thành rẻ hơn…”, ông Nguyễn Ngọc Châu nói.
Bàn thêm về du lịch M.I.C.E, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, nêu thực tế, vừa rồi có DN đặt hàng đoàn khách M.I.C.E lên tới hàng ngàn người nhưng khả năng thực tế TP chỉ đón khoảng vài trăm khách nên Hiệp hội Du lịch TP cũng… “bó tay”. Ở đây, nên tách bạch ra từng phần, phần nào Nhà nước đầu tư, phần nào phải xã hội hóa. Giá vé máy bay tăng cũng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá tour, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, kích cầu du lịch. Ta đang loay hoay với bài toán phát triển du lịch”, bà Nguyễn Thị Khánh tâm tư. Một DN khác đưa ra gợi ý, TP nên đưa yếu tố văn hóa vào trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Vì chính yếu tố này tạo nên sự khác biệt trong các điểm đến.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Khách sạn TPHCM, bức xúc phản ánh, những DN chuyên doanh trong lĩnh vực khách sạn đang phải trả 3 mức giá điện khác nhau trong ngày (giờ cao điểm, thấp điểm và lúc bình thường), dù rằng lĩnh vực này chiếm 60% doanh thu của ngành du lịch. Bên cạnh đó, giấy phép con cũng đang hành DN, bởi muốn bán rượu, khai thác dịch vụ massage, khiêu vũ… đều phải xin giấy phép.
Du khách Nga tìm hiểu các tour du lịch của Saigontourist tại một triển lãm du lịch. Ảnh: CAO THĂNG
Đáng lưu ý, một số DN cũng rất đau đầu với tình trạng cạnh tranh “bẩn”, nhái thương hiệu trong thời gian gần đây. Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt phản ánh, hiện đang có sự nhiễu loạn về cạnh tranh thương mại điện tử. Hàng loạt công ty du lịch vừa và nhỏ nhan nhản nhái những DN tên tuổi. Ông Long đặt nghi vấn: “Không loại trừ những trang công cụ tìm kiếm thông tin nổi tiếng thế giới đứng đằng sau, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để giúp các DN kinh doanh bẩn. Sở Du lịch TP phải vào cuộc để bảo vệ DN làm ăn chân chính”.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của các DN, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. Để ngành du lịch TP có thể đạt được con số 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, kéo dài thời gian lưu trú của du khách thì ngành du lịch trông cậy rất nhiều vào các DN. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị nhân văn rất cao. Ngành du lịch không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút ngoại tệ mà còn là điểm tựa cho nền kinh tế. TPHCM luôn đồng hành cùng DN xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch TPHCM. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Du lịch TP đến tháng 9-2017 phải trình UBND TP xem xét đề án phát triển ngành du lịch TP đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Phải có quy hoạch thì mới định hướng chiến lược phát triển. TP sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Cần Giờ; dự án Công viên safari Củ Chi… TPHCM cần tạo ra một “hệ sinh thái” thuận lợi cho DN phát triển. Những gì DN kiến nghị các sở ngành cần tập hợp giải quyết ngay, không để sự chậm trễ ngăn cản bước tiến của ngành du lịch TPHCM”.
Đưa công nghệ vào phát triển du lịch
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM có hướng ứng dụng công nghệ vào khai thác, phát triển ngành du lịch. Điển hình, TP đang tích cực chuẩn bị cho Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra tại TPHCM vào tháng 9-2017, với kỳ vọng chương trình quy mô, chất lượng hơn, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ số. Thêm nữa, để thu hút du khách đến với TP, chi tiêu nhiều hơn, TP có chủ trương mở cuộc khảo sát nhằm lắng nghe ý kiến của du khách nước ngoài, lãnh đạo các sở ngành, người dân… để xem ngành du lịch TP đang đứng ở đâu; khách đến TP tiêu xài bao nhiêu tiền…
|
|
THI HỒNG/SGGP