Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/6/2018 8:34'(GMT+7)

Động lực để tiếp tục cải cách

Trước đó, vào tháng 4-2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đánh giá GDP của Việt Nam năm 2018 có thể ở mức 7,1%. Ngân hàng ANZ dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ổn định ở mức 6,8% và 7% trong hai năm 2018-2019…
 


Việc các định chế tài chính lớn trên thế giới đồng loạt dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo là cơ sở để khẳng định rằng: Những chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 2-3 năm trở lại đây đã dần thu “trái ngọt”.

Kết quả đó có được phần lớn là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chính sách kinh tế vĩ mô (tỷ giá ngoại tệ, điều chỉnh giá các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện…) được điều hành linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ; nhiều chính sách mới như phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của nền kinh tế đã bước đầu đi vào cuộc sống. 

Thấy rõ nhất là việc các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đã cắt giảm hàng nghìn “giấy phép con”; minh bạch, rút ngắn các thủ tục đầu tư kinh doanh ở mức tối đa. Đặc biệt, những chuyển động ở tầm Trung ương đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, thông qua việc các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe những khúc mắc, rào cản và từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp. 

Mới nhất là hôm qua (17-6), UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Tại đây, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư là 397.335 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD), là minh chứng thuyết phục về môi trường đầu tư của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng thuận lợi.

Thành công có được là rất đáng mừng, vậy nhưng chúng ta sẽ không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” bởi nguy cơ tụt hậu vẫn rất lớn. Trong bối cảnh tăng trưởng cao và lạm phát thấp là cơ hội đặc biệt để Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Muốn vậy, việc nhận diện những nguy cơ để có giải pháp đúng đắn cần được đặt ra hàng đầu.

Nhìn từ trong nước, tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm, có thể ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng. Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI cũng cần phải được “để mắt tới”. Lãi suất tín dụng và chi phí logistics vẫn còn quá cao, chi phí không chính thức còn lớn đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp, kiềm chế năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. 

Đặc biệt, việc thực thi pháp luật, chính sách chưa nghiêm, không ít văn bản hướng dẫn thi hành luật và nghị định chất lượng thấp, chưa nhất quán, đầy đủ và minh bạch; thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc. 

Đơn cử việc khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là một chính sách đúng đắn và hết sức quan trọng nhằm huy động cả nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng triển khai chậm và thiếu nhất quán. Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục sẽ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư và rất khó có thể huy động vốn cho hàng loạt công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn đang rất cần triển khai thực hiện, nhất là ngành điện. 

Trong khi đó, rủi ro bên ngoài sẽ bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, bất định căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ (Mỹ vừa điều chỉnh lãi suất lần 2 và dự kiến sẽ còn 2 lần nữa trong năm 2018) diễn ra sớm hơn dự kiến có thể dẫn tới những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

Đến thời điểm này, khi tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ đã bão hòa thì chỉ còn một số dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu. Đó là: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện cầu và sức mua trong nước; có giải pháp phù hợp để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch và sự phục hồi của ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, làm sao thu hút sự tham gia của doanh nghiệp dân doanh vào nền kinh tế với mục tiêu hướng tới là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Con đường ngắn nhất để đạt kết quả đó là xây dựng một chính quyền phục vụ, kiến tạo một cách thực chất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”. Điều này cho thấy, Chính phủ đã đánh giá đúng thực trạng để “bốc thuốc”, từ đó có các giải pháp tương thích. Nhưng để hoạt động chỉ đạo, điều hành thật sự có hiệu quả, hiệu lực thì cần phải có bộ máy tốt, con người tốt và điều này phải lan tỏa đến từng cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức đang hằng ngày, hằng giờ trực tiếp tiếp xúc với người dân qua công việc. Do đó, một trong những việc quan trọng cần phải làm ngay là sớm tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động ở mức cao nhất có thể.

Hơn nữa, không để xảy ra tình trạng chuyển biến ở tầm cao và dần nguội lạnh ở cấp cơ sở trực tiếp thực thi mệnh lệnh. Bởi chúng ta đã nghe quá nhiều những câu chuyện “trên bảo dưới không nghe”, “nghe xong không làm”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”… Đó là những ung nhọt đã mưng mủ bấy lâu nay trong nền hành chính nước ta cần quyết tâm gỡ bỏ. 

Có thể nói, kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận, yên tâm. Vì thế, cần kiên quyết loại bỏ những cá nhân nhũng nhiễu, cửa quyền, tham nhũng vặt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi những động thái cải cách quyết liệt hơn nữa. Bởi xét cho cùng, nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì những giải pháp phục vụ mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ khó thành hiện thực. 
 

Đan Nhiễm/HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất