Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 12/6/2018 8:40'(GMT+7)

"Tỷ phú bắp sú" ở Đơn Dương


Nông dân Phạm Văn Tình bên vườn bắp của mình.

Trật trầy những năm đầu lập nghiệp

Tiếp khách trong ngôi nhà xây 02 tầng, trang trí nội thất sang trọng, nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền; thế nhưng, chủ nhà chợt đăm chiêu tâm sự: “Hơn 20 năm về trước, gia đình tôi khó khăn, cực khổ lắm; nhiều khi đói quá phải đi tìm củ chuối ăn thay cơm…”.

Ông Tình cho biết, sau 01 năm giải phóng toàn miền Nam (năm 1976) cha mẹ ông dắt díu cả gia đình rời quê cũ Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) vào Đơn Dương lập nghiệp, khi đó ông Tình chỉ là cậu bé 11 tuổi. Phần lớn các hộ gia đình xa quê đi lập nghiệp  chẳng mang theo gì ngoài những đôi bàn tay cần cù chịu thương, chịu khó và tính ham làm. Thời điểm đó, đất đai ở Đơn Dương hoang vu; song, thiếu vốn, phương tiện sản xuất, trình độ canh tác lạc hậu nên đời sống của các gia đình đều khó khăn…

Suốt những năm đầu lập nghiệp, bố mẹ ông Tình chủ yếu đi làm thuê cho các nhà vườn trong vùng vừa kiếm sống, nuôi các con ăn học vừa dành dụm tiền để mua đất, khai hoang mở rộng đất sản xuất, xây dựng cơ nghiệp. 

Sau nhiều năm dành dụm, ra ở riêng, đến nay, vợ chồng ông Tình có trong tay 2,5 ha đất nông nghiệp. Ông chịu khó học hỏi, áp dụng phương thức sản xuất cà chua, rau màu theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thu nhập có cải thiện; Tuy nhiên cũng chẳng khá lên được (vì có mùa, giá cả các loại rau, quả xuống rất thấp, nông dân điêu đứng)…

Có đất, có sức lao động, không thể cứ nghèo mãi? Từ trăn trở này, ông Tình đã cất công đến các vùng trồng rau khác nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệp, mô hình sản xuất mới…Ông phát hiện, một số hộ chuyển sang cach tác cây bắp sú (giống sú cũ) cho sản lượng cao, bán được giá và đang được thị trường các tỉnh phía Nam ưa chuộng. Ông quyết định chuyển một số diện tích đất trồng rau màu sang trồng bắp sú thử nghiệm.

Ngoài chuyển đổi cây trồng, ông Tình còn đầu tư kinh phí xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tự động (với 02 phương thức là tưới sương mắc trên giàn; đặc biệt, cách tưới nhỏ giọt đặt trên mặt đất, theo từng luống cây trồng); chế độ tưới được theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đủ độ ẩm (không tưới quá ướt) vừa tốn chi phí vừa gây úng cây trồng; toàn bộ cộng nghệ được nhập khẩu từ Israel… 

“Tỷ phú bắp sú”

Theo chân ông Tình đến thăm trang trại rộng 2,5 ha trồng sú (cách nhà chừng 2 km) chúng tôi thực sự khâm phục sức sáng tạo, quyết đoán để vươn lên làm giàu của nông dân – tỷ phú này. Toàn bộ diện tích đất vườn được chia làm 02 khu sản xuất riêng biệt; trong đó, một khu rộng 1,4 ha sú đã hơn 1,5 tháng tuổi nhu nhú từng hàng bắp tròn nõn nà dưới sắc nắng mùa hè Đơn Dương, hứa hẹn bội thu.


Đồng chí Trần Văn Hiệp (áo trắng, đội mũ) - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng thăm vườn bắp của nông dân Phạm Văn Tình

Ông Tình vừa dẫn khách tham quan vừa giảng giải, lúc đầu ông trồng thử trên nửa diện tích đất của gia đình, mùa đầu tiên thu hoạch mang lại kết quả khả quan, ông chuyển toàn bộ sang sản xuất sú. Sau khi làm đất xong, khâu xuống giống ông khoán cho người làm thuê trồng và trả công (cứ trồng 1.000 cây giống trả 40 ngàn đồng công trồng); mùa xuống giống rộ có khi phải thuê từ 20 - 30 công lao động làm việc. Công đoạn làm cỏ, bón phân, tưới nước do người nhà quản lý; những tưởng với diện tích canh tác khá rộng sẽ tốn nhiều công sức; song, nhờ lắp đặt hệ thống tưới tự động hiện đại giúp ông khá nhàn hạ, cứ việc mở khóa nước, vừa uống trà, cà phê vừa canh thời gian là được…

Ông Tình cho biết, quy trình sản xuất một lứa sú (từ khi đặt cây giống xuống đất đến khi thu hoạch thời gian là 3 tháng). Do đang “hút hàng” nên công việc thu hoạch, chủ vườn cũng chẳng phải mất công, chỉ ngồi đếm tiền. Thậm chí, có mùa sú mới trồng 1,5 tháng (nửa thời gian thu hoạch) thương lái đã đến tận vườn trả giá 5.000 đồng/cây rồi. Nếu thỏa thuận, chủ vườn bán ngay cho thương lái tự thu hoạch. Có thời điểm khan hiếm, giá sú lên cao 6 - 7.000 đồng/ cây - người trồng sú “trúng đậm”…

Ông Tình cũng cho biết thêm, đôi khi giá cả có thay đổi, có khi 4.000 đồng/cây; nhưng nếu so sánh với các loại rau, cà chua…, người nông dân vẫn có lãi; nhiều năm qua, giá bắp sú tương đối ổn định, ít “bấp bênh” như các loại cây trồng khác ở huyện Đơn Dương nên nông dân đang gia tăng diện tích trồng sú.

Việc sản xuất cây bắp sú cũng phải tùy theo mùa, thường tập trung mùa nắng sú đẹp, quả to, năng suất cao; những tháng còn lại trong năm luân canh trồng các loại cây khác như rau, cà chua, ớt chuông, ớt sừng…Theo kinh nghiệm của các lão nông ở Đơn Dương, phải luân canh như vậy mới tránh rũi ro; đồng thời thay đổi tính chất đất, tránh dịch bệnh nếu độc canh một loại cây trồng trong một thời gian dài…

Liên tiếp các năm gần đây, hộ nông dân Phan Văn Tình thu nhập khá cao nhờ chuyển đổi từ rau màu sang trồng bắp sú theo quy trình NNCNC. Ông Tình vui mừng cho biết, trung bình mỗi năm thu hoạch từ bắp sú và các loại rau, màu khác gia đình ông tích lũy dư thừa từ 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ đồng; đặc biệt, năm 2017 vừa qua, tổng thu nhập của gia đình nông dân này trên 2 tỷ đồng. Nhân dân trong vùng không quá lời khi tặng cho ông Tình biệt danh “Tỷ phú bắp sú” !

Nhờ thu nhập cao, vợ chồng ông Tình đã xây nhà mới (trị giá 1,6 tỷ đồng); có điều kiện cho 02 ăn học; hiện nay, con trai đầu học xong đã đi làm; con gái út đang theo học năm cuối Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Cuộc sống giàu có, hạnh phúc đang mở ra với gia đình nông dân - tỷ phú vùng rau này…

Với nỗ lực vượt khó, tìm tòi, sáng tạo trong lao động, sản xuất vươn lên làm giàu và tham gia hoạt động Hội Nông dân địa phương, nhiều năm qua, nông dân - Tỷ phú Phan Văn Tình đã được UBND xã Quảng Lập, Hội Nông dân huyện Đơn Dương tặng Giấy khen và tôn vinh “Nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi”…

Nguyễn Thanh Hồng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất