Một tuyên bố chung cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về quốc phòng, là kết quả mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được trong chuyến công du lần thứ tư của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ.
Kết quả trên không nằm ngoài sự kỳ vọng và thực sự hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm hiệu quả khi tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề cùng quan tâm.
Tổng thống Trump đánh giá Ấn Độ là đối tác an ninh quan trọng, đáng tin cậy và bày tỏ tin tưởng những rào cản trong quan hệ thương mại song phương sẽ sớm được dỡ bỏ.
Trong khi đó, Thủ tướng Modi khẳng định đã có cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Trump về tất cả các khía cạnh của quan hệ song phương.
Ông ca ngợi Mỹ và Ấn Độ là mối quan hệ đối tác chiến lược vững mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này trong tương lai.
Khi tới thăm Mỹ trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ đúng một năm trước, ông Modi đã có cơ hội phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó mô tả cường quốc hàng đầu thế giới này là "đối tác không thể thiếu" của New Dehli.
Điều đó phần nào thể hiện đúng bản chất mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Và chuyến thăm Mỹ lần thứ tư này của ông Modi cũng không ngoài mục đích tái khẳng định chính sách đó của Ấn Độ với nhà lãnh đạo đương nhiệm Donald Trump.
Có thể nói trong cả hai chuyến thăm, ông Modi mang theo cùng một thông điệp tới Mỹ. Tuy nhiên, bối cảnh hai chuyến công du này lại có những khác biệt trên nhiều góc độ.
Sự thật là mối quan hệ giữa hai nước thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đang "gợn sóng" với những khác biệt có thể dễ nhận thấy so với chính quyền tiền nhiệm.
Ấn Độ là một trong số những quốc gia bị chính quyền Mỹ phàn nàn về vấn đề thặng dư thương mại song phương lên tới gần 31 tỷ USD trong năm 2016.
Ngay trước thềm chuyến thăm, nhiều nghị sĩ hàng đầu của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Trump gây sức ép để Ấn Độ bãi bỏ những rào cản thương mại và đầu tư của Mỹ vào quốc gia Nam Á này, đồng thời cáo buộc Ấn Độ không thực thi cải cách theo thị trường.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thứ chín của nền kinh tế số một thế giới. Năm 2016, kim ngạch thương mại-dịch vụ hai chiều đạt xấp xỉ 114,8 tỷ USD.
Ngoài ra, chính sách hướng nội, siết chặt vấn đề nhập cư, trong đó có việc xem xét lại vấn đề cấp thị thực lao động tạm thời cho người nước ngoài có trình độ cao H1B mà Tổng thống Trump áp dụng cũng là những lo ngại không nhỏ cho Ấn Độ khi nước này có hàng nghìn kỹ sư tay nghề cao muốn làm việc ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington cũng tỏ ý không bằng lòng khi New Dehli vẫn quyết tâm thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này.
Tổng thống Trump thậm chí còn cho rằng Ấn Độ hưởng lợi "hàng tỷ USD" tiền viện trợ khi chọn ở lại với Hiệp định Paris, điều mà giới chức Ấn Độ cực lực bác bỏ, khẳng định việc New Dehli cam kết theo đuổi hiệp định là vì sứ mệnh chung tay bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Tất cả những vấn đề này, Thủ tướng Modi phải tìm cách giải quyết nếu muốn thiết lập một mối quan hệ hợp tác chiến lược thực sự với chính quyền của Tổng thống Trump.
Khi vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố Ấn Độ là "đồng minh chiến lược then chốt, là một trong những "người bạn tốt nhất" của Mỹ.
Tuy nhiên, từ khi đắc cử tới nay, ông Trump rất kiệm lời khi đề cập tới chính sách với Ấn Độ. Những thông điệp đưa ra khá mù mờ về hướng ưu tiên khiến New Dehli khó có thể hoạch định chính sách của mình trong quan hệ với Mỹ.
Ngoài ra, chính sách không rõ ràng của Mỹ với một số nước láng giềng của Ấn Độ vốn có quan hệ căng thẳng với New Dehli cũng là điều khiến giới chức quốc gia Nam Á này không khỏi lo ngại.
Những cam kết trước đây của ông Trump chưa thể hiện thực hóa bởi sự thờ ơ và có phần lạnh nhạt của giới chức Mỹ đối với Ấn Độ cũng như sự thận trọng, e dè từ chính quyền New Dehli.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã được Washington phát đi ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn Độ.
Chính quyền Tổng thống Trump đã chấp thuận thương vụ trị giá 2 tỷ USD bán máy bay trinh sát không người lái Guardian MQ-9B cho Ấn Độ, giúp nước này tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương.
Đây được xem là động thái hiếm hoi khi tới nay, Mỹ thường chỉ chuyển giao những công nghệ cao như vậy cho các đồng minh hay đối tác quốc phòng gần gũi và có các hoạt động phối hợp cùng lực lượng Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê chuẩn thương vụ bán một máy bay vận tải quân sự C-17 trị giá 365 triệu USD cho New Dehli.
Những kết quả này phần nào phản ánh mối quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.
Cần nhắc lại rằng kể từ năm 2008 đến nay, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận quốc phòng trị giá lên tới 15 tỷ USD với Mỹ; trong đó có các máy bay vận tải C-130J, C-17, máy bay tuần tra trên biển P-8I, tên lửa Harpoon và các máy bay trực thăng Apache và Chinook.
Việc Tổng thống Trump mời nhà lãnh đạo Ấn Độ dùng bữa tối tại Nhà Trắng cũng cho thấy sự gần gũi mà chủ nhà dành cho vị thượng khách, bởi Thủ tướng Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Trump mời dùng bữa tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức tổng thống.
Sự thực thì cả hai nhà lãnh đạo này có khá nhiều điểm chung với các cam kết chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, cùng mong muốn thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế và ngoại giao.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo đều có chiến lược thúc đẩy đầu tư, phát triển trong nước thay vì đổ vốn, tạo công ăn việc làm ở nước ngoài với các khẩu hiệu như "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và "Sản xuất tại Ấn Độ" của Thủ tướng Modi.
Ngoài ra, trong số các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi là hai nhân vật sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhất khi ông Trump có 32 triệu người theo dõi trên twitter và ông Modi cũng chỉ kém 1 triệu người.
Rõ ràng, bầu không khí trước và trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn Độ khá thân tình, bởi hai bên không có quá nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Tổng thống Trump mong muốn mở rộng quan hệ với Ấn Độ sao cho hiệu quả, cùng có lợi, giúp Mỹ gia tăng ảnh hưởng, trong khi Thủ tướng Modi cũng muốn Mỹ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo vị thế của nước này trong khu vực.
Bởi vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Ấn Độ được xem là cơ hội để sưởi ấm quan hệ hai nước, tạo tiền đề để mối quan hệ song phương có được những động lực mới, cơ hội mới và đạt được tầm cao mới./.
Theo TTXVN