Thứ Bảy, 12/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/10/2011 11:0'(GMT+7)

Động lực mới thúc đẩy hợp tác với 3 nước châu Âu

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

 Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa kết quả chuyến thăm và những biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện kết quả đạt được của chuyến thăm 3 nước.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa kết quả chuyến thăm chính thức Hà Lan, Uzbekistan, Ukraine của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đây là chuyến thăm 3 nước châu Âu lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ thứ 2 và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Uzbekistan.

Chuyến thăm đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong đoàn. Các nước bạn đều đón tiếp Thủ tướng và đoàn Việt Nam hết sức trọng thị, nồng ấm, hữu nghị, chân thành. Tất cả lãnh đạo cấp cao của các nước đều tham gia đón tiếp, hội đàm với Thủ tướng Việt Nam. Nữ hoàng và Thái tử kế vị Hà Lan, Tổng thống Uzbekistan và Ukraine đều đã tiếp và hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngoài các cuộc tiếp xúc, hội đàm cấp cao, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã cùng lãnh đạo các nước bạn tham gia nhiều hoạt động kinh tế quan trọng khác như Bàn tròn các giám đốc điều hành doanh nghiệp, Diễn đàn hợp tác năng lượng ở Hà Lan, chỉ đạo và chứng kiến ký biên bản về kết quả Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ukraine.

Doanh nghiệp các nước rất quan tâm đến hợp tác, đầu tư với Việt Nam, tích cực tìm hiểu, trao đổi với các đối tác Việt Nam. Điều họ quan tâm là những chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong tương quan lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Hà Lan, Uzbekistan, Ukraine của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 3 nước trên, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Điều đó được thể hiện sinh động trong Tuyên bố hoặc Thông cáo chung kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới từng nước.

Tại Hà Lan, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương trên 5 lĩnh vực ưu tiên là ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng và dịch vụ hậu cần. Doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, năng lượng, cảng biển, giáo dục-đào tạo….

Đặc biệt, các thỏa thuận trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Biến đổi khí hậu và hoàn thành Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu tầm nhìn đến năm 2100…

Tại Uzbekistan, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại mà hai bên có nhiều triển vọng; tiếp tục nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, chế biến bông sợi, sản xuất hàng dệt may... Bên cạnh đó, hai bên cũng thỏa thuận mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng khác như nông nghiệp, công nghệ cao, viễn thông, hóa chất, giáo dục,văn hóa, thể thao và du lịch.

Phía Uzbekistan kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án lớn của mình như Khu kinh tế-công nghiệp tự do Navoi và mong muốn mở đường bay vận tải trực tiếp từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Navoi. Doanh nghiệp hai nước cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, giáo dục và chế biến dâu tằm.

Tại Ukraine, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Ukraine đã trao đổi những phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm triển khai thỏa thuận đạt được giữa nguyên thủ hai nước tháng Ba vừa qua về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam-Ukraine, nhất trí tăng cường đối thoại liên Chính phủ, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, an ninh, kỹ thuật-quân sự, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, du lịch và thể thao.

Các văn bản được ký kết ngay trong chuyến thăm như Thỏa thuận liên danh giữa Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và Hàng không Aerosvit của Ukraine và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp quốc gia Kiev thể hiện quyết tâm của hai bên thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương.

Tại các nước đến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều dành thời gian đến thăm động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán; gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi thân tình với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn ở các nước này. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của bạn, Thủ tướng Việt Nam đều đề nghị và nhận được sự cam kết của bạn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con ta hòa nhập, phát triển ở nước sở tại; đồng thời làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Tôi tin tưởng rằng thành công của chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các nước tiến thêm những bước quan trọng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đáp ứng lợi ích của các bên.

- Xin Thứ trưởng cho biết những biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện những kết quả đạt được trong chuyến thăm 3 nước?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Các cam kết ở cấp cao đạt được trong chuyến thăm sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.

Về chính trị, các bên cần tăng cường tiếp xúc chính trị cấp cao, trao đổi đoàn các cấp và hợp tác giữa các địa phương. Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi như vậy sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết của chuyến đi và tạo đà phát triển hợp tác trong các lĩnh vực khác. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; góp phần đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước đều nhất trí một loạt các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là kết nối đối tác với các doanh nghiệp. Điều cần làm tiếp theo là tích cực cụ thể hóa và triệt để thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã được ký cũng như các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong chuyến thăm.

Với Hà Lan, tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Hà Lan có kinh nghiệm và trình độ phát triển hàng đầu thế giới và Việt Nam có nhu cầu phục vụ mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp năm 2020, đó là đóng tàu, năng lượng, dịch vụ khí hậu, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Với Uzbekistan, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và tích cực hỗ trợ xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu; thúc đẩy đối thoại, gặp gỡ và hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân ; tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp các nước thông qua các dự án đầu tư cụ thể.

Với Ukraine, tăng cường các nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ukraine, thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục thương mại, khuyến khích trao đổi thông tin và tìm kiếm các hình thức hợp tác hiệu quả, bao gồm cả việc thành lập các doanh nghiệp liên doanh; xem xét hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng to lớn như năng lượng, chế tạo máy, lắp ráp máy bay, đóng tàu, nông nghiệp, khai khoáng, công nghiệp dầu khí và hóa chất...

Ngay trong chuyến thăm, Thủ tướng Việt Nam và lãnh đạo các nước đã giao cho các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan triển khai các biện pháp và dự án cụ thể với quyết tâm nhanh chóng đưa các cam kết, thỏa thuận cấp cao trở thành hiện thực.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất