Thủ đô Ða-mát của Xy-ri đã hoàn toàn được giải phóng sau hơn bảy năm nội chiến, sau khi những tay súng cuối cùng thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) rời khỏi đây. Quân đội Xy-ri thừa thế thắng tiếp tục các chiến dịch nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước. Tuy nhiên, diễn biến cuộc khủng hoảng Xy-ri còn phức tạp và tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đối với an ninh vùng thủ đô.
Người dân Xy-ri tưng bừng ăn mừng chiến thắng sau khi quân đội chính phủ giành quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Ða-mát và các khu vực ngoại ô từ tay IS. Lần đầu chính quyền tuyên bố có thể bảo đảm Ða-mát và vùng ngoại ô "không còn bất kỳ mối đe dọa quân sự nào". Bước tiến này đạt được sau khi quân đội chiếm lại khu vực thành trì cuối cùng của IS ở phía nam Ða-mát, trong đó có trại tị nạn Y-a-múc của người Pa-le-xtin.
Có thể nói, thắng lợi ở Ða-mát là kết quả của những chiến dịch quân sự quyết liệt được quân đội Xy-ri tiến hành trên nhiều mặt trận, trong đó có những khu vực chiến lược, những vùng đất mà IS đã thiết lập thành trì vững chắc. Trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực chung quanh thủ đô, chính quyền Ða-mát đã ký các thỏa thuận rút quân với lực lượng nổi dậy, theo đó tạo lối đi an toàn cho phiến quân cùng gia đình sơ tán chủ yếu đến khu vực tây bắc Xy-ri. Trong hai tháng qua, khoảng 110 nghìn người đã sơ tán đến khu vực này và khu vực do phiến quân kiểm soát ở A-lép-pô.
Mặc dù thắng lợi quân sự giúp quân đội chính phủ Xy-ri lật ngược cán cân sức mạnh trên thực địa, song những nguy cơ tiềm ẩn vẫn là thách thức lớn đối với chính quyền Ða-mát. Cuộc nội chiến ở Xy-ri, do những bàn tay can thiệp từ bên ngoài, đã trở thành cuộc khủng hoảng phức tạp và khó lường. Mới đây, Trung tâm hòa giải Xy-ri của Nga tuyên bố, cơ quan này cùng quân đội chính phủ Xy-ri đã phát hiện nhiều kho vũ khí do các nước thành viên NATO sản xuất và các cơ sở sản xuất chất nổ ngầm dưới mặt đất tại một số khu vực vừa giải phóng khỏi phiến quân. Chính phủ Xy-ri từng nhiều lần thông báo tìm thấy vũ khí của phiến quân do I-xra-en hoặc các nước NATO sản xuất. Thực tế, từ năm 2011, liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp vũ khí hỗ trợ lực lượng "đối lập ôn hòa" ở Xy-ri. Truyền thông và cả giới chức Lầu năm góc từng thừa nhận nhiều vũ khí do liên minh cung cấp rơi vào tay các lực lượng IS hay Mặt trận An Nu-xra có quan hệ với An Kê-đa. Bởi thế, nguy cơ các phiến quân sở hữu những "cỗ máy giết người hiện đại" là mối đe dọa an ninh lớn khi lực lượng này vẫn kiểm soát khu vực rộng lớn không bị bao vây ở tây bắc và tây nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Gioóc-đa-ni.
Tình hình leo thang căng thẳng thời gian qua giữa I-xra-en và Xy-ri cũng tác động tiêu cực tới các chiến dịch quân sự của quân đội chính phủ Xy-ri trong cuộc chiến chống phiến quân. Gần đây, nhiều máy bay chiến đấu của I-xra-en tham gia các chiến dịch tiến công nhằm vào những vị trí của I-ran tại nhiều khu vực khác nhau ở Xy-ri, trong đó có vị trí hệ thống phòng không của quân đội Xy-ri ở gần thủ đô Ða-mát và miền nam Xy-ri. Mặc dù phía I-xra-en tuyên bố động thái này để đáp trả vụ tiến công tên lửa bị cáo buộc do lực lượng I-ran tại Xy-ri tiến hành nhằm vào các căn cứ quân sự của I-xra-en ở Cao nguyên Gô-lan, song sự gia tăng đối đầu giữa I-xra-en và I-ran càng "thêm dầu vào lửa", đe dọa an ninh Xy-ri. Chính phủ Xy-ri cho biết, các tên lửa của I-xra-en đã nhằm trúng nhiều căn cứ quân sự, trạm ra-đa và kho vũ khí của Xy-ri. Ðặc phái viên của Liên hợp quốc X.Mi-xtu-ra nhận định, những báo cáo về sự can dự của I-ran và I-xra-en ở Xy-ri cho thấy những dấu hiệu leo thang đáng lo ngại chưa từng thấy ở khu vực này kể từ năm 1973.
Việc các tay súng IS chịu buông súng và rút khỏi thủ đô Ða-mát được coi là bước tiến quan trọng trên chiến trường Xy-ri, là động lực lớn cho quân đội chính phủ Xy-ri tiến hành những chiến dịch nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước. Tuy nhiên, diễn biến trên "bàn cờ Xy-ri" còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cánh cửa hòa bình ở quốc gia Trung Ðông chỉ được mở ra nếu các biện pháp giải quyết khủng hoảng tập trung thúc đẩy đối thoại, chấm dứt xung đột và tránh sự can thiệp từ bên ngoài.
Việt Hùng/Nhân dân