Thứ Ba, 14/5/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 14/8/2019 10:3'(GMT+7)

Đồng Nai - khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Khu du lịch thác Giang Điền. Ảnh: Internet.

Khu du lịch thác Giang Điền. Ảnh: Internet.

Đồng Nai là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có lĩnh vực công nghiệp phát triển và có tốc độ tăng trưởng kinh tế được xếp vào một trong những tỉnh đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, do cấu tạo về địa chất, địa hình tự nhiên và quá trình phát triển lịch sử - văn hóa đã tạo cho Đồng Nai những tiềm năng phát triển du lịch gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. 

Khu du lịch thác Đá Hàn. Nguồn: Internet
Khu du lịch thác Đá Hàn. Nguồn: Internet

Đồng thời, Đồng Nai có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Quốc 1A, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất...và đặc biệt nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô lớn đã, đang và sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển nói chung và du lịch nói riêng trong những năm tiếp theo: dự án đường cao tốc Bến lức – Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây – Phan Thiết, hệ thống đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, hệ thống cảng nước sâu Vũng Tàu – Thị Vải – Gò Dầu và đặc biệt sân dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đồng Nai khá phong phú, đa dạng có rừng, thác, sông, hồ núi, nổi bật trong đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem như một khu du lịch tổng hợp đa sắc màu; Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là điểm du lịch quốc gia; sông Đồng Nai là một trong những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam bộ, có những dòng suối, hồ và những dòng thác đẹp như: Thác mai – Hồ nước nóng, Thác Ba Giọt, Thác Giang Điền, hồ Trị An mênh mông như biển cả. Núi Chứa Chan nổi tiếng với phong cảnh hùng vĩ, có chùa Bửu Quang ở độ cao 600m – một quần thể kiến trúc dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ của núi rừng.... tất cả đều là những tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc của Đồng Nai.

Ngoài ra, trong suốt quá trình gần 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, với truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng đất - con người Đồng Nai đã tạo nên những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng và đến nay tỉnh đã có 57 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh) và trên 1000 di tích phổ thông khác.

Để khai thác những tài nguyên du lịch trên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch, công tác cải cách hành chính, công tác quy hoạch, mời gọi đầu tư, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, đồng thời chú trọng đến công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Qua đó, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các dự án như: Khu du lịch Suối Mơ - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng), hệ thống cáp treo tại danh thắng quốc gia núi Chứa Chan –Xuân Lộc (vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng),  Resort Cát Tiên Jungle Logde - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng), Điểm Du lịch Ngọc Hoa Trang..., đồng thời, các khu, điểm du lịch hiện hữu cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch như: Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Vườn Xoài, Khu du lịch Giang Điền, khu du lịch Đảo Ó – Đảo Đồng trường...Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô lớn, chất lượng cao được đưa vào hoạt động gần đây như: Khách sạn Central Park, đạt tiêu chuẩn 5 sao (vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng), Resort Cat Tiên Orchard Home (Tân Phú), Resort Chibu (Nhơn Trạch), khách sạn Quốc Thanh và Happy Son (thành phố Long Khánh)... đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách. 

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 21 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như: Tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa…, 127 cơ sở lưu trú du lịch, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa được cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành theo Luật Du lịch năm 2017, 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 5 chi nhánh văn phòng đại diện du lịch.

Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ của ngành du lịch. 

Khung cảnh xanh mát tại vườn quốc gia Cát Tiên (Ảnh ST)
Khung cảnh xanh mát tại vườn quốc gia Cát Tiên (Ảnh ST)

Mặt khác, dự án khu du lịch Sơn Tiên (quy mô 371 ha) đang trong giai đoạn hoàn thiện là một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa của việc thực hiện chủ trương hợp tác phát triển giữa hai địa phương tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kết hợp có tính chia sẽ, liên kết, hỗ trợ khai thác tốt nhất các yếu tố thuận lợi về tiềm năng, trong đó đặc biệt về đất đai và điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, cùng nằm trong khu vực chiến lược của “Tam giác phát triển” vùng Đông Nam Bộ”.

Có thể nói rằng, Sơn Tiên một khu du lịch đẳng cấp và mang tầm cỡ quốc tế với các tổ hợp Công viên nước, Công viên chuyên đề và Quần thể văn hóa, tâm linh, dã ngoại, cắm trại ngoài trời, được dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn I vào thời điểm tết Nguyên đán năm 2020 với công suất phục vụ cho hơn 2 triệu lượt khách hàng năm. Khi Sơn Tiên mở cửa sẽ là một sự kiện đặc biệt, làm khởi sắc vùng đất tỉnh Đồng Nai. Đặt 1 dấu mốc son đầy ấn tượng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành dịch vụ - du lịch không những cho tỉnh Đồng Nai mà còn cả khu vực Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đang lập các thủ tục để triển khai dự án như: Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Hoàng Gia Bảo lập thủ tục đầu tư dự án tuyến du lịch đường sông, vốn đầu tư dự kiến trên 1000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Cường Thuận lập thủ tục đầu tư dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An, vốn đầu tư dự kiến khoảng 1300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần The Coi đầu tư dự án phát triển du lịch sinh thái Thác Mai – Bàu nước nóng, vốn đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đang lập phương án đầu tư dự án du lịch sinh thái hồ Đa Tôn, quy mô dự kiến trên 1000 ha, dự án Safari, vốn đầu tư trên 1000 tỷ đồng. Đây là những dự án quan trọng để góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Nai trong những năm tiếp theo, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đột phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Du khách thường check-in tại thắng cảnh Đá Ba Chồng (Ảnh ST)

Du khách thường check-in tại thắng cảnh Đá Ba Chồng (Ảnh ST)

Nhờ vậy, trong những năm qua lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015-2019 đạt 10,5%/năm và doanh thu du lịch đạt 14,6%/năm.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ du lịch cao hơn tăng trưởng bình quân lượt khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch Đồng Nai ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh hơn nên chi tiêu của du khách có mức cao hơn (bình quân năm 2015 chi tiêu 314.000 đồng/khách đến năm 2019 dự kiến 363.000 đồng/khách.

Du lịch đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhất định trong thời gia qua, đã tạo cho trên 3 000 lao động trực tiếp làm việc tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ và các công ty lữ hành (chưa tính những lao động làm việc tại các nhà hàng, quán ăn) và nhiều lao động gián tiếp như: Bán hàng, giữ xe, dịch vụ vận tải, thương mại…, đồng thời, du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các hoạt động gắn với du lịch cộng đồng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tạo thu nhập trực tiếp và bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Đồng Nai nhìn chung phát triển chưa xứng tiềm năng: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái chưa được đầu tư đúng tầm để tạo điểm nhấn và thương hiệu du lịch của tỉnh. Các dịch vụ vui chơi giải trí hiện có tại các khu, điểm du lịch mặc dù được cải tạo, nâng cấp nhưng nhìn chung sản phẩm, dịch vụ chưa thật sự phong phú và tính hấp dẫn chưa cao.

Khuôn viên văn miếu Trấn Biên. Ảnh: internet.

Khuôn viên văn miếu Trấn Biên. Ảnh: internet.

Đồng thời, một số dự án (Thác Mai - Bàu nước nóng, tuyến du lịch sông Đồng Nai, tuyến đường ven hồ Trị An, Đảo Ó - Đảo Đồng Trường, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan…) là những dự án du lịch quan trọng để tạo sự đột phá cho du lịch Đồng Nai, mặc dù được UBND tỉnh, các Sở, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn và giải quyết, tuy nhiên do vướng mắc về quy hoạch đất rừng phòng hộ, đất lúa, đất quốc phòng… nên các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư; Sản phẩm du lịch hiện có chủ yếu là phục vụ khách du lịch nội địa, chưa hình thành nhiều các sản phẩm đặc trưng và chất lượng cao hướng tới thị trường khách quốc tế, khu, điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là các doanhh nghiệp vừa và nhỏ , năng lực cạnh tranh thấp, chưa có doanh nghiệp lữ hành mạnh có thương hiệu. Việc phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa với du lịch chưa nhiều chủ yếu là các di tích danh lam thắng cảnh được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; các di tích lịch sự văn hóa việc thu hút khách còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động trong ngành du lịch mặc dù được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa chuyên nghiệp.

Để phát huy hơn tiềm năng phát triển du lịch và phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo như Kế hoạch 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các dự án phát triển du lịch, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để tạo đột phá trong việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm; đồng thời có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút đầu tư từ người dân trong tỉnh. Vận dụng linh hoạt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời phối hợp các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông như: tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành; bên cạnh đó, ngân sách nhà nước chú trọng và ưu tiên tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư và thuận lợi cho du khách tham quan du lịch. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.

Hai là, nâng cao nhận thức về du lịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội từ tỉnh đến cơ sở, từ cấp lãnh đạo đến các cán bộ liên quan, từ các doanh nghiệp du lịch và liên quan đến cộng đồng xã hội về nhận thức vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, về trách nhiệm trong bảo vệ môi trường du lịch, trong đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai; chú trọng nâng cao nhận thức về du lịch cho toàn dân và đặc biệt đối với hệ thống quản lý du lịch.

Ba là, phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng Nai có thế mạnh là du lịch sinh thái, vì vậy sẽ tập trung xây dựng loại hình du lịch này là thương hiệu của du lịch Đồng Nai, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Thác Mai - Bàu Nước nóng, núi Chứa Chan, du lịch sông Đồng Nai và các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trở thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao để tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai nhưng đồng thời cũng phát triển nhiều loại hình du lịch khác mà Đồng Nai có điều kiện và thế mạnh (du lịch tâm linh; du lịch thể thao; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch sông; vui chơi, giải trí; du lịch gắn với nghề truyền thống) nhằm đa dạng các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực du lịch.Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch tại các trường trên địa bàn, quan tâm đến đào tạo kỹ năng nghề du lịch. Khuyến khích các trường nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy được trang bị đồng bộ. Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch.

Năm là, quảng bá, xúc tiến du lịch. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá thông qua nhiều hình thức như: Các phương tiện thông tin đại chúng, internet, liên kết các doanh nghiệp lữ hành, hội thảo, hội chợ, khảo sát cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các ấn phẩm du lịch, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá. Gắn hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao. Đăng cai các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai đến bạn bè đến từ các vùng miền của đất nước và quốc tế. Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu; liên kết xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với các địa phương để thu hút khách đến Đồng Nai. Liên kết công-tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến.

Sáu là, đảm bảo môi trường du lịch. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch. Xem đây vừa là nhiệm vụ trước mắt, đồng thời cũng vừa là nhiệm vụ lâu dài nhằm xây dựng Đồng Nai là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách.

Bảy là, nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch Đồng Nai. Các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm ủng hộ, đồng hành và tạo các điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Du lịch phát triển mạnh, phát huy vai trò của Hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường du lịch, liên kết các chương trình du lịch và bảo vệ hợp pháp các quyền lợi, chính đáng của doanh nghiệp du lịch; tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch cho các hội viên.

Tám là, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch.

Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của nhà nước về kinh doanh dịch vụ du lịch; sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch; kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy hoạch, các cam kết về tiến độ đầu tư, sử dụng đất, bảo vệ tài nguyên, môi trường và việc thực hiện các quy định khác của nhà đầu tư.

Trong các nhiệm vụ và nhóm giải pháp nêu trên thì nhiệm vụ, nhóm giải pháp “huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch là nhiệm vụ và nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai phát triển trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Sự phát triển của du lịch Đồng Nai trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy hiệu quả. Vì vậy, để du lịch tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phát triển du lịch và phối hợp tốt với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả sớm đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu đề ra./.

Lê Kim Bằng -Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Đồng Nai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất