Thủ tướng nhấn mạnh, trong
mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà
thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ bàn làm,
không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm
để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích.
Sáng 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện
theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính
phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các
công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận
tải.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban
Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố;
đại diện các Ban Quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà
đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng
quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng
không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các
đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai Thành phố Hồ Chí
Minh.
Năm 2023, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, việc triển khai xây dựng các công trình, dự án quan trọng quốc gia,
trọng điểm ngành Giao thông vận tải được thúc đẩy. Nhiều vướng mắc được
tháo gỡ, nhất là vướng mắc về pháp lý; công tác chuẩn bị các dự án được
đẩy nhanh; nhiều dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai Hà Nội, Thành
phố Hồ Chí Minh được khởi công; nhiều dự án được khánh thành, đưa vào
khai thác... mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, trong năm 2023, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với
chiều dài 475 km được khánh thành, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa
vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km; hiện đã khởi công và đang thi
công 37 dự án/dự án thành phần khác với tổng chiều dài 1.658 km.
Cả nước cũng đã khánh thành cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện
Biên, Phú Bài, đường cất hạ cánh cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất
và đang thúc đẩy triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành,
nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất...
Tại Phiên họp, bên cạnh điểm lại những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo
thảo luận phân tích rõ nguyên nhân về một số công trình, dự án tiến độ
triển khai vẫn chậm. Trong đó, các đại biểu cho rằng, việc các dự án
chậm tiến độ một phần do một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng,
nhất là trong việc định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khó
khăn về vật liệu san lấp thông thường; vướng mắc trong sử dụng vốn ODA…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính điểm lại các kết quả đã đạt được trong việc triển
khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao
thông vận tải. Trong đó nhấn mạnh, hầu hết các khó khăn về mặt pháp lý
đã được giải quyết; thúc đẩy triển khai các dự án.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực cố
gắng của ngành Giao thông vận tải, các kỹ sư, công nhân, người lao động
ngành Giao thông đã gác lại niềm vui riêng trong mùa xuân mới để cùng
chung tay xây dựng mùa xuân của đất nước, của dân tộc, chung tay xây
dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
Thủ tướng biểu dương các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các nhà
thầu, các đơn vị tư vấn đã đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực để các dự án
triển khai bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ trong năm qua; Bộ Giao thông
vận tải, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, Ủy ban Quản lý
vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức triển khai các dự án,
nhất là Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ
vượt bậc trong triển khai các dự án cảng hàng không.
Đặc biệt, Thủ tướng cảm ơn các địa phương đã thực hiện tốt công tác
giải phóng mặt bằng, phối hợp cùng các chủ đầu tư trong việc cấp mỏ vật
liệu, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công; trân trọng
cảm ơn bà con, nhân dân đã đồng thuận, hỗ trợ, ủng hộ chủ trương lớn của
Đảng, Nhà nước, nhường đất, nơi ở, thay đổi thói quen, tập quán vì sự
phát triển của đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư cần quan tâm, có sự
quan tâm động viên kịp thời đối với các công nhân, kỹ sư làm việc xuyên
Tết; các địa phương quan tâm đến đời sống của người dân được tái định cư
bảo đảm nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ.
Chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm và những tồn tại, vướng mắc cần tập
trung khắc phục, thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan, địa
phương tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, chủ động
rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong triển khai các
nhiệm vụ.
Nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII
về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện đột
phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan
trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho
người dân; tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án
đi qua; do đó phải tập trung thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các Ban quản
lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công, các cán bộ,
công nhân, người lao động và các chủ thể liên quan căn cứ chức năng,
nhiệm vụ nghiêm túc chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao
theo yêu cầu: bảo đảm chất lượng; tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật,
mỹ thuật, môi trường, sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý; không
chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở
tất cả các khâu; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý sai phạm; đi
đôi chăm lo đời sống, an sinh xã hội người lao động, nhân dân.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong
việc thúc đẩy triển khai các dự án; tập trung giải phóng mặt bằng các
dự án và đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự
án, Thủ tướng chỉ đạo các chủ thể có liên quan phải chủ động, phối hợp
với nhau giải quyết các vướng mắc phát sinh trên thực tế theo thẩm
quyền, có trọng tâm, trọng điểm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm,
trên tinh thần “vướng mắc, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó; vướng mắc, khó
khăn ở ở cấp nào thì cấp đó giải quyết; thuộc trách nhiệm của bộ, ngành
nào thì bộ, ngành đó phải giải quyết”.
Thủ tướng nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt đến sinh kế, công ăn việc
làm, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội đối với người dân đã nhường
đất cho các sự án, với tinh thần nơi ở mới ít nhất là bằng, phấn đấu tốt
hơn nơi ở cũ; nghiêm cấm để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, phát sinh các
vấn đề phức tạp, tư tưởng đối phó, nhất là trong việc cung cấp vật liệu
san lấp thông thường.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ ngành,
các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước,
trách nhiệm để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, làm việc trên tinh
thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công
“3 ca 4 kíp”, xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên thứ Bảy, Chủ nhật để đẩy nhanh
tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra đối
với từng hạng mục công trình và cả dự án.
Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư,
các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ
bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ
dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích.
Thủ tướng tin tưởng với khí thế mới, cùng nỗ lực, tăng tốc, năm 2024
các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ ngành, các Ban Quản lý dự án, Nhà
thầu, thiết kế, giám sát sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ
tầng giao thông, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XIII, tất cả vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân
ngày càng hạnh phúc, ấm no./.
TTXVN