Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/9/2018 17:5'(GMT+7)

Đồng tình với quyết định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Nhiều đại biểu đồng tình với phương án Tòa án quyết định việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc

Quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu và nhân dân, Ban soạn thảo đã chốt hai phương án đề xuất trình Quốc hội: Phương án 1, Tòa án xem xét quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý tài sản; phương án 2, sẽ thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế.

Theo phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

Do còn ý kiến khác nhau, dự thảo luật đề xuất phương án 2 là thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án này đã nhận nhiều ý kiến phản biện từ các phiên thảo luận trước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, ưu điểm của các phương án 1 Tòa án xem xét quyết định thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

“Việc giao Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng”, bà Lê Thị Nga cho biết. Ngoài ra, phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh bởi hiện đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phương án thu thuế thì thời gian xử lý ngắn, hạn chế tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án. Phương án thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự, hành chính và việc thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng "cảm thấy yên tâm hơn" về tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của phương án Tòa án xem xét, quyết định việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Ủng hộ phương án này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh việc qua bước Tòa án xem xét quyết định sẽ đảm bảo minh bạch, công khai, chặt chẽ hơn. "Xử lý theo hướng phán quyết của Tòa án phù hợp với pháp luật của nhiều nước. Phương án truy thu thuế là khó khả thi, không thực tiễn và dễ bị lạm dụng vì tài sản của anh mà anh còn không chứng minh được thì rất khó cơ quan nào xác minh được,” đại biểu Lâm nói.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), phương án thu thuế hay xử phạt hành chính đều không thuyết phục, phương án Tòa án xem xét quyết định sẽ được số đông ủng hộ, đảm bảo minh bạch, công khai, chặt chẽ hơn.

Có quan điểm khác, đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ phương án thu thuế vì nếu ra Tòa thì hoặc là trả lại toàn bộ nếu người có tài sản giải thích được nguồn gốc hoặc là tịch thu toàn bộ. Mà nếu rõ nguồn gốc thì là thất thu thuế. Hơn nữa hiện nay, Tòa án đã rất quá tải, nếu đưa qua Tòa loại việc này nữa sẽ khó khăn.

Nhiều đại biểu tán thành mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản

Về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết về biện pháp kê khai tài sản, nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sỹ quan Quân đội nhân dân và sỹ quan Công an nhân dân.

Một số đại biểu đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Theo đó, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...

Đồng thời, dự thảo luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...

"Các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong phòng chống tham nhũng", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sỹ quan Công an nhân dân.

Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, việc bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của Luật khi được ban hành./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất