Nguồn năng lượng sơ cấp tại Việt Nam như dầu, than, khí và thủy điện chỉ có hạn và đã đang được khai thác ở mức gần như tối đa, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu trong tương lai gần. Do vậy, phương án phát triển nguồn điện bằng các nguồn năng lượng mới ở Việt Nam là tất yếu, trong đó, phương án được cho là khả thi, có tính kinh tế cao là năng lượng hạt nhân.
Theo Bộ Công Thương, nguồn nguyên liệu hóa thạch như dầu thô, than đá ở Việt Nam không còn nhiều. Lượng dầu thô ước tính chỉ có thể khai thác trong khoảng 30-40 năm nữa, Tương tự, nguồn than trong nước cũng không còn nhiều, và theo kế hoạch đến 2012-2013 khi hàng loạt dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ phải nhập than.
Đầu tư xây dựng điện hạt nhân là cần thiết
Trong khi đó, nguồn urani thế giới được đánh giá là có trữ lưỡng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vòng 100 năm tới. Đây là lợi thế của điện hạt nhân so với nguồn điện từ than hoặc dầu thô. Nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Sự lựa chọn tất yếu nguồn năng lượng hạt nhân cũng được khẳng định trong lộ trình phát triển ngành năng lượng từ nay đến 2030 cũng như Tổng sơ đồ điện 6 tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng dần tỷ trọng điện hạt nhân lên 7-8% và phấn đấu đến 2050 tăng tỷ lệ điện hạt nhân lên 15-20% tổng sản lượng điện quốc gia để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia.
Ninh Thuận hội đủ các điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Báo cáo định hướng quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030, đồng thời chính thức xem xét Báo cáo đầu tư và thẩm định đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự kiến, sắp tới, các báo cáo này sẽ được trình lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo phương án của Bộ Công Thương trình Chính phủ, bộ đã nghiên cứu trên 20 địa điểm có tiềm năng xây dựng điện hạt nhân, hiện có 10 địa điểm được chính thức đưa vào quy hoạch để các ngành, các địa phương có quy hoạch phù hợp. Các chương trình này đang trong quá trình thẩm định để báo cáo.
Về lý do đề xuất chọn Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ Công Thương cho biết, qua nghiên cứu cho thấy Ninh Thuận đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí cần và đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Đó là có kiến tạo địa chất tốt, đất đai không thích hợp để phát triển nông nghiệp, phân bố dân cư thưa thớt nên huy động giải phóng mặt bằng, đất đai để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuận lợi.. Ngoài ra Ninh Thuận cũng đáp ứng các điều kiện an toàn khác như ít xảy ra động đất, núi lửa, nguồn nước để làm mát của Ninh Thuận cũng khá dồi dào. Do vậy, Ninh Thuận được chọn là địa điểm đầu tiên để Xây dựng nhà máy điện nguyên tử với thiết kế 4 tổ máy, công suất 1.000 MW/tổ.
Bên cạnh đó, vấn đề được quan tâm hàng đầu của các dự án điện hạt nhân là công nghệ và tính an toàn của công nghệ được sử dụng. Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) Tạ Văn Hường cho biết, trong báo cáo trình Chính phủ , các chuyên gia đã đề xuất 2 công nghệ đó là lò áp lực và lò nước sôi ( lò nước nhẹ). Loại lò nước nhẹ trên thế giới phát triển rất nhiều (chiếm gần 70% công suất lò của các nước trên thế giới) bởi độ an toàn tin cậy của loại lò này khá cao.
Tất cả các phương án đề xuất của Bộ Công Thương về dự án nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây để Quốc hội xem xét và cho ý kiến./.
(Theo: chinhphu.vn)