Ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hệ thống
thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (Dự án FSMIMS).
Dự án FSMIMS được triển khai tại Ngân hàng Nhà nước, CIC và Bảo hiểm
tiền gửi Việt Nam với tổng nguồn vốn đầu tư của Dự án là 71,83 triệu
USD, trong đó vốn vay IDA là 60 triệu USD, vốn tài trợ không hoàn lại
của Chính phủ Nhật là 0,83 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 11
triệu USD.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, đây là dự án
đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực
then chốt của Ngân hàng Nhà nước và của ngành ngân hàng như: Chính sách
tiền tệ, quản lý ngoại hối, dự báo-thống kê, nghiệp vụ Ngân hàng Trung
ương, thanh tra-giám sát ngân hàng, quản lý nguồn nhân lực, kế toán-tài
chính, quản lý văn bản và điều hành, tăng cường năng lực CIC và Bảo hiểm
tiền gửi Việt Nam.
Dự án được triển khai trong gần 9 năm kể từ ngày Hiệp định tài trợ Dự án
có hiệu lực (7/2009-12/2017) gồm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn tăng
cường năng lực (1/2011-8/2013) là đổi mới hoạt động nghiệp vụ của Ngân
hàng Nhà nước, CIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo thông lệ quốc tế
và cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Giai đoạn xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
(8/2013-12/2017): Ngân hàng Nhà nước, CIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
đã triển khai đồng thời 7 hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi trong
phạm vi dự án FMSIMS.
Ông Đào Quốc Tính, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, Dự
án đã cung cấp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một hệ thống công nghệ
thông tin tích hợp đồng bộ gồm phần cứng và phần mềm.
"Ý nghĩa quan trọng nhất của triển khai dự án FSMIMS là tạo tiền đề từng
bước hiện đại hoá các chức năng của Bảo hiểm tiền gửi, qua đó trở thành
công cụ đắc lực trong việc kiểm soát rủi ro của Ngân hàng Nhà nước,
giảm thiểu rủi ro hệ thống", ông Đào Quốc Tính nói.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng
Nhà nước kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án cũng chia sẻ, ngay từ khi thiết
kế dự án, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới đã nhận
định đây là một dự án có rủi ro cao do tính phức tạp về nội dung và có
tính triển khai rộng. Thực tế đã có thời điểm dự án nằm trong danh sách
các dự án có vấn đề về tiến độ giải ngân cần được Chính phủ Việt Nam và
Ngân hàng Thế giới đặc biệt quan tâm và thậm chí có thể ngừng nếu không
có cải thiện về mặt tiến độ.
“Tuy nhiên với sự cam kết và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ngân hàng Nhà
nước cùng những nỗ lực không ngừng của các bên tham gia quản lý và triển
khai dự án. Dự án đã từng bước vượt qua các khó khăn trở ngại và kết
quả cuối cùng đã được WB, các bên tư vấn độc lập đánh giá cao. Các sản
phẩm hiện đại của dự án đã được sử dụng hiệu quả trở thành một phần
không thể thiếu trong điều hành hoạt động và tác nghiệm hàng ngày của
Ngân hàng Nhà nước, CIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn
mạnh./.
(Vietnam+)