Chiều 21/2, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của
dự án Luật đầu tư công và dự án Luật xây dựng (sửa đổi).
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật đầu tư công, trên cơ
sở tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường. Ủy
ban Kinh tế phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và
một số Ủy ban của Quốc hội và bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu,
chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật đã được quy định theo hướng
nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công đặc biệt từ khâu
phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư
dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đầu tư thể hiện được tính đồng bộ,
thống nhất giữa các Luật cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư công như Luật
ngân sách Nhà nước, Luật xây dựng, Luật quản lý nợ công, Luật quản lý và
sử dụng tài sản Nhà nước, Luật đấu thầu, Luật phòng chống tham nhũng,
Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, so với quy định hiện
hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những
quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương
đầu tư, quyết định đầu tư.
Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực
hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì chỉ có những chương trình, dự
án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt như hiện nay.
Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới
hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ
trương đầu tư là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định,
thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy
định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng
quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như
quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư
trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu
Chính phủ của cả nước.
Thảo luận về những vấn đề lớn của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đề nghị làm rõ các khái niệm, hạn chế việc có quá nhiều nội dung giao
Chính phủ quy định, nhiều ý kiến tập trung góp ý vào phần quy định về
phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương
trình, dự án. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với
bố cục của dự án Luật. Dự án Luật chỉ quy định nguyên tắc về hình thức
đầu tư đối tác công tư, các quy định chi tiết sẽ thực hiện theo hướng
dẫn của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
nhấn mạnh, việc phân quyền liên quan đến quy trách nhiệm nên dự án Luật
cần thể hiện chặt chẽ, rõ ràng. Người nào quyết định đầu tư thì người đó
phải chịu trách nhiệm, đầu tư sai phải chịu trách nhiệm.
“Quốc hội là cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương về dự án quan
trọng quốc gia, còn người quyết định dự án là cá nhân, đó là người chịu
trách nhiệm,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự
thảo Luật xây dựng (sửa đổi). Dự thảo này đã được các đại biểu Quốc hội
cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu vừa qua.
Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy
ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, đại
diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu,
tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc
hội.
Theo cơ quan thẩm tra, mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là
nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới,
cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng
quy định về hoạt động đầu tư xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư
xây dựng./.
(TTXVN)