Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 5/11/2014 10:43'(GMT+7)

Dự báo bệnh đái tháo đường sẽ đứng thứ bảy trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cảnh báo tại buổi họp báo chiều 4/11 của Bộ Y tế nhân Ngày phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới 2014 (14/11). Dự báo đến năm 2030, bệnh sẽ đứng thứ bảy trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. 

Bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho  hay, trong 10 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng 200% trong khi Tổ chức Y tế Thế giới dự báo trên thế giới chỉ tăng 54% nhưng trong 20 năm. Điều đó cho thấy, bệnh đái tháo đường đang gia tăng “quá nhanh tại Việt Nam” – bác sĩ Dương nhấn mạnh.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể con người. Nhiều người chỉ có thể phát hiện ra mình bị bệnh khi đã có biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch… Việc phát hiện muộn sẽ gây thêm những tốn kém và khó khăn cho công tác điều trị bệnh. 

Lứa tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Trước kia, người bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 40-45, nay nhiều trẻ chỉ mới 11, 12 tuổi trở lên. Bác sĩ Dương phân tích, trẻ béo phì bị tiểu đường thường do học tập liên tục, không chơi thể thao, ăn thức ăn nhiều năng lượng. Lấy ví dụ 100 g bơ rất béo, nhìn ít nhưng để tiêu thụ thì phải đi bộ nhanh 20 km. Trẻ ăn rất nhiều bim bim, năng lượng tích lũy trong cơ thể cực kỳ lớn, nếu không có thời gian chơi thể thao thì béo phì là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Những người có nguy cơ cao như thừa cân, béo phì, trên 45 tuổi, bị đái tháo đường thai kỳ, gia đình có người mắc, bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, phụ nữ sinh con trên 4 kg nên đi sàng lọc định kỳ.

Những người có nguy cơ cao như: quá cân, béo phì; trên 45 tuổi; bị đái tháo đường thai kỳ, gia đình có người mắc, bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, phụ nữ sinh con trên 4 kg nên đi sàng lọc định kỳ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để dự phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút/ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá. Ngoài ra, tất cả người dân nếu đi bệnh viện vì bất kỳ lý do gì cũng nên xin làm xét nghiệm đường huyết và mỡ máu. 

Nhân ngày phòng chống đái tháo đường thế giới 14/11, Chương trình Làng thay đổi đái tháo đường sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 16/11 tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM. Mục đích cung cấp kiến thức về bệnh, khuyến khích lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý, sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ, khám và tư vấn miễn phí cho người bệnh...

Trong hai ngày 12-13/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ phối hợp với 4 đơn vị y tế khác tổ chức khám phát hiện sớm bệnh đái tháo đường tại 4 khu vực của thành phố Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tiếp đó, trong hai ngày 14-15/11, sự kiện “Ngày đái tháo đường năm 2014” sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cơ sở Tứ Hiệp với các hoạt động khám sàng lọc, tư vấn miễn phí cho người dân về bệnh đái tháo đường, đồng thời tư vấn về thay đổi lối sống, dinh dưỡng
PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất