Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 17/10/2008 10:20'(GMT+7)

Dự báo tình hình quốc tế và trong nước tác động trực tiếp đến tư tưởng và công tác tư tưởng

Đồng chí Phùng Hữu Phú-UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW chủ trì buổi Toạ đàm. Tham dự chương trình, về phía Ban Tuyên giáo TW còn có đồng chí Vũ Văn Phúc - Phó trưởng Ban,  lãnh đạo và chuyên gia của một số vụ, đơn vị chức năng trong Ban; khách mời tham gia Toạ đàm là các đồng chí: Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ-Vũ Khoan, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá TW: Hà Đăng, Hữu Thọ, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành từng công tác lâu năm và có nhiều nghiên cứu đóng góp về lĩnh vực công tác tư tưởng-văn hoá.

Một trong những nghị quyết quan trọng mà Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khoá X đã đề ra là Nghị quyết Tăng cường công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình mới. Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này có nhiệm vụ xây dựng chiến lược công tác tư tưởng. Một trong những cơ sở quan trọng nhất của việc hoạch định chiến lược là dự báo các vấn đề, các biến động, các khuynh hướng... Nhiều nhà khoa học đã từng khẳng định chiến lược bắt đầu từ dự báo. Theo nghĩa đó, chiến lược đặt ra yêu cầu về một tầm nhìn tương đối dài hạn, trong trường hợp chiến lược công tác tư tưởng, tầm nhìn đó nên từ 10 đến 15 tới. Để đảm bảo có một tầm nhìn chiến lược cho công tác tư tưởng, rất cần dự báo các khuynh hướng tư tưởng chủ yếu sẽ diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Với tinh thần đó, các đại biểu tham gia Toạ đàm, bằng kinh nghiệm và những nhận định trên cơ sở nghiên cứu tình hình, diễn biến của các trào lưu, xu hướng trên thế giới và trong nước... đã tập trung nêu rõ những vấn đề khó khăn cũng như thuận lợi đã, đang và sẽ tác động một cách mạnh mẽ đến tư tưởng của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời đưa ra những ý kiến dự báo về các khuynh hướng tư tưởng của Việt Nam và thế giới trong 1-2 thập kỷ tới; chiến lược về nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra cho công tác tư tưởng của chúng ta trong những năm tới đây, để có thể đối phó và giải quyết một cách tốt nhất, có hiệu quả trước những thử thách mới.

Theo ý kiến phát biểu mở đầu Toạ đàm của đồng chí Vũ Khoan, nguyên

Phó Thủ tướng Chính phủ thì có nhiều sự kiện quốc tế và trong nước đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và công tác tư tưởng của chúng ta. Việc dự báo vô cùng quan trọng,  nhưng có những khó khăn và nhiều điều khó lường. Đối tượng của chiến lược công tác tư tưởng chính là thế hệ sau này-thế hệ này có những đặc điểm như: có kiến thức, tiếp cận với thế giới và chịu tác động mạnh mẽ của bên ngoài, trong đó có cả điều hay lẫn điều dở, vừa tràn đầy lòng yêu nước nhưng cũng có thể dễ bị phai nhạt lý tưởng Cách mạng XHCN.
Kinh tế thị trường phát triển cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động (cả tích cực và tiêu cực) tới tư tưởng và công tác tư tưởng. Cùng với đó, trong giai đoạn từ 2010-2020 quá trình CNH-HĐH đất nước sẽ phát triển mạnh, điều này đồng nghĩa với việc, bên cạnh những thuận lợi. tích cực, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết đối với công tác tư tưởng... 

Dự báo luôn luôn là một việc khó khăn và cũng thường xuyên gợi mở nhiều tranh luận, thậm chí bất đồng ý kiến. Tuy nhiên-như trong báo cáo Đề dẫn tại Toạ đàm-với tinh thần cầu thị, những người có trách nhiệm đã phác thảo thảo một số khuynh hướng tư tưởng (Tư tưởng tư bản chủ nghĩa phương Tây; trào lưu xã hội dân chủ; chủ nghĩa dân tộc; tư tưởng cộng sản...) có thể diễn ra, hoặc sẽ tiếp tục diễn ra một cách cách rõ nét hơn, trên phạm vi thế giới và ở Việt Nam trong 10-15 tới, để các đại biểu tham gia Toạ đàm đưa ra những ý kiến nhận định, đánh giá một cách khoa học và khách quan.

Những nét chính của đời sống tư tưởng Việt Nam trong 1-2 thập kỷ tới, bên cạnh những điểm chung, một số nét cụ thể cũng được các đại biểu đưa ra ý kiến trao đổi, trên cơ sở gợi mở của Ban Tổ chức,  như: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được thừa kế, bổ sung và phát triển; Những tư tưởng tiến bộ của dân tộc (chủ nghĩa yêu nước, yêu quê hương; ý chí độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc; tình đồng bào, đoàn kết dân tộc; chủ nghĩa khoan dung; tinh thần cộng đồng; truyền thống bang giao hữu ngại, hoà hiếu với các nước gần xa...) sẽ phát huy sức mạnh to lớn; một số khuynh hướng tư tưởng khác sẽ cạnh tranh ảnh hưởng với hệ tư tưởng cộng sản... 

Những ý kiến tại Toạ đàm sẽ góp phần vào việc đưa ra một cái nhìn tổng thể về bức tranh tư tưởng Việt Nam trong giai đoạn tới, để từ đó có những giải pháp tích cực và khoa học cho công tác tư tưởng, đồng thời  đặt ra những nhiệm vụ và mục đích cao hơn cho công tác này, như nhận định của Ban tổ chức: Bức tranh tư tưởng Việt Nam trong những thập kỷ tới sẽ ngày càng đa dạng hơn và có sự phức tạp nhất định... Cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng tư tưởng, mặc dù ít có khả năng gây ra xung đột tư tưởng, nhưng có thể diễn ra một cách gay gắt. Một khi chủ động, kịp thời nắm bắt các khuynh hướng tư tưởng khác nhau, cả trên quy mô thế giới và ở đất nước ta, đó là điểm khởi đầu cho công tác tư tưởng ở trình độ cao hơn./.

 AT

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất