Đó là ý kiến của bà Katherine Muller-Marin, Trưởng văn phòng đại diện tổ chức UNESCO tại Hà Nội trong hội thảo “Nâng cao trách nhiệm trong phát triển du lịch” do Tổng cục Du lịch, Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là dự án EU, do Liên minh châu Âu tài trợ) tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, trình bày về vai trò của việc bảo vệ di sản trong phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Văn phòng đại diện tổ chức UNESCO tại Hà Nội khẳng định, nếu phát triển một cách có trách nhiệm, du lịch có thể trở thành đầu tàu thúc đẩy công tác bảo tồn, bảo vệ các di sản văn hóa, di sản tự nhiên và qua đó thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, “Nếu không được quy hoạch và quản lý hiệu quả, du lịch có thể gây ra các tác động xấu về xã hội, văn hóa và kinh tế cũng như hủy hoại môi trường và cộng đồng địa phương”, bà Katherine Muller-Marin nhấn mạnh. Với Hạ Long, bà cho rằng nếu chỉ quan tâm đến “khai thác cạn kiệt” thì trong vài chục năm nữa, khách du lịch sẽ không còn nhận ra được di sản thế giới này.
Các sản phẩm du lịch Việt Nam gắn bó mạnh mẽ với di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch hiện nay ở Việt Nam thường được mô tả là thiếu quy hoạch chiến lược một cách toàn diện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương, đồng thời chất lượng và sự đa dạng của các sản phẩm du lịch còn yếu.
Dưới góc độ cơ quan nghiên cứu chính sách phát triển du lịch, Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc quản lý hữu hiệu các sản phẩm du lịch sao cho cân xứng với mức tăng trưởng của lượng khách, đảm bảo mức độ hài lòng của khách và quản lý du lịch vì lợi ích của cộng đồng. Nếu công tác phát triển du lịch không được quy hoạch và quản lý hiệu quả, có thể sẽ dẫn tới tình trạng phát triển quá nóng hoặc phát triển không đồng đều, gây ô nhiễm môi trường và khách du lịch không tôn trọng nền văn hóa bản địa.
Tại hội thảo, ngoài việc được tham khảo các ví dụ về phát triển du lịch có trách nhiệm tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và tại khu nghỉ dưỡng Nam Hải, các đại biểu có cơ hội học hỏi thêm về phương pháp tiếp cận chiến lược trong phát triển du lịch có trách nhiệm tại Myanmar.
Thông qua hội nghị, dự án EU nhắm tới mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ giữa khu vực nhà nước, tư nhân và các cộng đồng, tất cả cùng chia sẻ một tầm nhìn và hiểu biết về du lịch có trách nhiệm, từ đó cung cấp một nền tảng cho mạng lưới du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam./.
(Theo: QĐND)