Nhân lực vẫn đang là “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam với số lượng nhân lực còn thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao và cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý, đơn vị đào tạo và doanh nghiệp.
Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp của ngành Du lịch vào phát triển kinh tế đất nước ngày càng rõ nét, xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tuy vậy, nhân lực vẫn đang là một “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam với số lượng nhân lực còn thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao, chất lượng còn yếu và cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý, đơn vị đào tạo, doanh nghiệp để tháo gỡ.
Nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu
Theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam, hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động cả nước) trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Với tiến độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới, kết hợp đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có với số lượng tương tự.
Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 20.000 sinh viên chuyên ngành ra trường, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cung cấp thông tin, hiện tại cả nước có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc đại học.
Số lượng đào tạo mỗi năm cũng không phải là thiếu quá nghiêm trọng nhưng số lao động có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu làm việc thực tiễn của doanh nghiệp là chưa đủ, nhất là nhân lực ở các vị trí quản lý trình độ cao, có tư duy hội nhập để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhân lực ngành Du lịch của Việt Nam hiện còn yếu ở nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng về ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, đặc biệt là với nhân lực nhóm dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017, kỹ năng của sinh viên Việt Nam đang đứng thứ 97, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chỉ hơn Campuchia.
Kỹ năng sau khi ra trường xếp thứ 128, sau cả Campuchia (101). Đào tạo nhân viên của Việt Nam đứng thứ 181, sau tất cả các nước khu vực.
Điều này cho thấy, chất lượng nguồn lực đào tạo của Việt Nam trong 6 tiêu chí xếp hạng đều đứng gần cuối hoặc cuối và cần xem lại chất lượng đào tạo.
Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ.
Năng suất lao động trong ngành du lịch Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia…
Để có nhân lực đáp ứng yêu cầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đều phải đầu tư kinh phí không nhỉ để đào tạo lại nhân lực khi tuyển dụng.
Ví dụ như năm 2018, Vietravel phải bỏ ra số tiền khoảng 10 tỷ đồng cho việc đào tạo lại nhân viên khi tuyển dụng.
Tập đoàn FLC thường phải dành tối thiểu từ 3-6 tháng đào tạo lại với những người đã có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc khi tuyển dụng.
Với lao động phổ thông, FLC phải đào tạo lâu hơn, có khi là cả năm với phần thực hành ngay tại các cơ sở nghỉ dưỡng của tập đoàn để quen với cung cách phục vụ khách theo tiêu chuẩn đặt ra.
Nhân lực có trình độ tổng quản lý hoặc quản lý cấp cao ở quần thể nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao của FLC đều là người nước ngoài bởi nhân lực Việt Nam rất khó tìm được người đạt chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng việc đào tạo ở các doanh nghiệp là cần thiết và bắt buộc phải đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực nhưng phải đầu tư để đào tạo lại chính nguồn lực đã được xã hội đào tạo, nhất là sinh viên vừa ra trường là quá lãng phí.
Bởi lẽ, giáo trình đào tạo du lịch đa phần chưa theo kịp chuẩn quốc tế, mới đạt chuẩn nội địa. Ngay cả chuẩn nội địa cũng không đồng nhất, mỗi trường lại một kiểu nên khi ra trường chất lượng nhân lực cứ “lổn nhổn như xôi đỗ.”
Đào tạo theo hướng thị trường cần
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam diễn ra mới đây đã khẳng định nước ta cần có “3 C” để tạo ra bước phát triển đột phá của ngành du lịch.
Đó là con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược. Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn chiến lược về phát triển du lịch, trong đó có đào tạo lao động.
Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, từ năm 2017, Bộ xác định là du lịch phải tăng tốc để bước vào giai đoạn hội nhập khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có thừa nhận lẫn nhau trong hệ thống tiêu chuẩn nghề của du lịch.
Nhân lực là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của mọi ngành nghề, đặc biệt là ngành du lịch. Các nước ASEAN trong đó có Việt Nam coi việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo khung trình độ đã được thừa nhận là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành du lịch hội nhập quốc tế.
Khi Thỏa thuận về nghề du lịch ASEAN chính thức có hiệu lực, sẽ có nhiều lao động trong khối ASEAN đến Việt Nam làm việc.
Nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì sẽ thua ngay trên chính sân nhà...
Chính các nhà quản lý và doanh nghiệp cũng thấy rằng đã đến lúc các đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch phải có sự đổi mới trong phương thức và chương trình đào tạo.
Bởi hiện nay, chương trình đào tạo của Việt Nam đang có sự mất cân đối giữa lý thuyết và thực tế.
Phần lý thuyết chiếm quá nhiều thời gian học tập, trong khi kỹ năng thực tế cần thiết để sau này làm việc, sinh viên chỉ được thực hành trong thời gian rất ngắn. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, thời gian học tập lý thuyế-thực hành là 50-50.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định đã đến lúc các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch cần được trao quyền chủ động nhiều hơn nữa để mạnh dạn đổi mới.
Các cơ sở đào tạo cần xác định môi trường đào tạo, môi trường sử dụng nhân lực là thị trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần có cơ chế linh hoạt để đổi mới chương trình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các giáo viên, giảng viên có năng lực được phát huy năng lực.
Thêm vào đó, chương trình, phương thức đào tạo cũng phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người sử dụng nhân lực. Tức là trong hội đồng quản trị nhà trường cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của doanh nghiệp để việc đào tạo được sát thực tế và hiệu quả, khi ra trường sinh viên có thể làm việc được ngay mà không cần đào tạo lại...
Trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) là một đơn vị tích cực trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch và đã thành công. Mô hình đào tạo của trường cần được nhân rộng.
Trường Đại học Hoa Sen hợp tác với Trường Du lịch – Khách sạn Vatel (Cộng hoà Pháp) từ năm 2012 nhằm cung cấp các chương trình và dịch vụ để cải tiến chất lượng giáo dục chuyên ngành Khách sạn và Du lịch theo xu hướng quốc tế.
Sinh viên học lý thuyết song song với thực hành tại nhà hàng của Vatel và các nhà hàng khác trong Thành phố Hồ Chí Minh. Theo khảo sát việc làm của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ngành Du lịch, Nhà hàng-Khách sạn có việc làm (tính từ năm tốt nghiệp 2011 đến nay) đạt trung bình 95%.
Đa phần các sinh viên công tác tại các khách sạn 4 và 5 sao, các hãng lữ hành uy tín, các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Một số sinh viên tiếp tục học nâng cao trình độ với bậc học cao hơn tại các trường đại học trong và ngoài nước, hoặc tự khởi nghiệp kinh doanh...
Mô hình thành công của Trường Đại học Hoa Sen cho thấy, việc hợp tác giữa các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch và các đơn vị đào tạo sẽ tạo nên một tiền đề tốt cho việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam./.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)