Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 25/5/2021 9:52'(GMT+7)

Dư luận quốc tế đánh giá cao công tác tổ chức bầu cử ở Việt Nam

Cử tri xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Cử tri xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVvà đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 23/5 đã thu hút sự chú ý của một loạt trang tin khu vực và quốc tế, trong đó chủ yếu nhấn mạnh ý nghĩa sự kiện lần này đối với Việt Nam và bối cảnh đặc biệt diễn ra cuộc bầu cử cũng như nêu bật vai trò của Quốc hội Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Các hãng tin LaoPhatthana và LaoPhatthana (Lào), TheStar và New Straits Times (Malaysia), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Nikkei Asia (Nhật Bản), Reuters (Anh)… đều nêu bật bối cảnh Việt Nam tiến hành cuộc bầu cử - đó là giữa lúc cả nước đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng và do vậy, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn và suôn sẻ là một thách thức lớn đối với ban lãnh đạo mới của Việt Nam.

Về bối cảnh của cuộc bầu cử, Tân Hoa xã lưu ý: “Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp. Nhà chức trách đã yêu cầu cử tri tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, gồm đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội tại các điểm bỏ phiếu.”

Tờ Nikkei Asia dẫn lời nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại tất cả các điểm bỏ phiếu trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn phức tạp và không rõ ràng. Cuộc bầu cử kết thúc một cách suôn sẻ nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 75 năm kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử.

Trang Eurasiareview khẳng định cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam và điểm nổi bật của quá trình bầu cử ở Việt Nam là sự kiện này được tổ chức rất chuyên nghiệp, không chút hỗn loạn. Cử tri sẵn sàng hợp tác với ban tổ chức bầu cử và không có bất kỳ hành vi gây rối nào.

Để đảm bảo quá trình bầu cử diễn ra thành công và giảm thiểu tác động từ đại dịch COVID-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động bầu cử trong bối cảnh đại dịch, trong đó có văn bản hướng dẫn lập danh sách cử tri và phương thức bỏ phiếu cho các đối tượng cử tri đang thực hiện cách ly ở các khu vực bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Eurasiareview khẳng định vai trò của Quốc hội trong tiến trình phát triển của Việt Nam: “Quá trình phát triển 35 năm của Việt Nam là đáng ghi nhận. Những thành tựu đạt được về kinh tế, chính sách đối ngoại và lĩnh vực quốc phòng/an ninh tạo cho Việt Nam niềm tin để đương đầu với những khó khăn, thách thức hiện nay do các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, việc chuẩn bị bầu cử là sự mở rộng hơn nữa nguyện vọng của người dân nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình phát triển."

Theo bài viết, đây cũng là sự khẳng định thành tựu của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và phòng chống dịch bệnh.

Về đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện lập trường độc lập, giúp chính phủ đạt được thành tích xuất sắc trong nhiều vấn đề song phương cũng như khu vực, qua đó nâng cao vị thế của đất nước.

Chính phủ cũng kiểm soát rất tốt sự lây lan của dịch bệnh trong giai đoạn đầu COVID-19 bùng phát, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu để những nước khác noi theo và cũng luôn chủ động khi làn sóng dịch thứ hai ập tới. Tác giả đồng thời nhấn mạnh những kinh nghiệm tổ chức bầu cử của Việt Nam kể từ năm 1946 là dân chủ và minh bạch một cách đáng ngưỡng mộ.

NHK đánh giá trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã có các cuộc thảo luận tích cực và thực chất.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tờ Junge Welt của Đức cũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bài báo nêu rõ nhờ vai trò của quốc hội, từ một quốc gia lạc hậu về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Số liệu của Viện nghiên cứu Statista cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 550 USD vào năm 2002, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên hơn 3.400 USD.

Bài viết cũng nêu bật ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử: “Với cuộc bầu cử Quốc hội lần này, quy trình bổ nhiệm người đứng đầu trong bốn vị trí trụ cột lãnh đạo đất nước sẽ được hoàn tất.”

Tại Malaysia, hầu hết các tờ báo lớn như TheStar, New Straits Times, MalaysiaToday, Malaysiakini đều đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất