Người phát ngôn Nhà trắng G.Ca-ni
trong cuộc họp báo thường lệ ngày 14-5 nhấn mạnh, căng thẳng ở Biển
Ðông chung quanh việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu cách bờ biển
Việt Nam 193 km cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải
bằng các biện pháp hăm dọa. Người phát ngôn nói rằng, Tổng thống
B.Ô-ba-ma trong chuyến công du châu Á gần đây đã nhiều lần nhấn mạnh sự
cần thiết tiến hành các cuộc đối thoại hòa bình về những bất đồng liên
quan Biển Ðông.
Trong cuộc họp báo ngày 14-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp bày
tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng ở Biển Ðông sau khi Trung
Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh
tế và thềm lục địa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nêu
rõ, Pa-ri lo ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang
diễn ra tại Biển Ðông; kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết bất đồng một
cách hòa bình thông qua đối thoại.
* Tại Bỉ, nhà báo M.Búp, người đồng thời là chuyên gia về chính trị
và phát triển của các nước châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (ACP)
và Liên hiệp châu Âu (EU) cho rằng, vấn đề Biển Ðông rất phức tạp và đã
được đề cập trong Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua. Ông M.Búp cho rằng,
việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Ðông không nhận được sự ủng hộ của quốc
tế, Mỹ cùng EU đều đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Tất
cả các nước trong khu vực cần đoàn kết để ngăn cản hành động của Trung
Quốc, vì việc xâm phạm lãnh hải các quốc gia khác là đi ngược lại luật
pháp quốc tế, và vì thế vấn đề trở nên vô cùng nguy hiểm trên bình diện
quốc tế. Nhà báo M.Búp nhấn mạnh, Trung Quốc cần ngồi lại với các nước
ASEAN để đàm phán đi đến một giải pháp hòa bình, tránh xung đột vũ
trang.
* Ngày 14-5, trang mạng Limes của tạp chí địa - chính trị có uy tín
hàng đầu ở I-ta-li-a đăng bài viết về tình hình căng thẳng đang diễn ra
trên Biển Ðông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải
Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài
báo viết: "Trung Quốc đã thiết lập một giàn khoan ở gần quần đảo Hoàng
Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Bài báo khẳng định, Bắc
Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách
ngoại giao đầy tính hăm dọa, đồng thời cho rằng bằng những hành động của
mình, Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
* Tại Ðức, trong bài trả lời phỏng vấn báo Làn sóng Ðức ngày 14-5,
Tiến sĩ G.Vin, chuyên gia về Ðông - Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính
trị (SWP) ở thủ đô Béc-lin cho rằng Trung Quốc có động cơ chính trị khi
hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 gần bờ biển Việt Nam. Trước đó, ông Vin
khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tạo ra sự
thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực giảm xung đột trên Biển Ðông,
cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông
(DOC), đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết.
* Tại Ô-xtrây-li-a, ngày 14-5, hai chuyên gia về an ninh Ðông - Nam
Á, gồm M.Cúc và E.Bren-nan cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải
Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Ðông là rất
đáng lo ngại, thiếu thiện chí và đáng thất vọng. Chuyên gia M.Cúc nhấn
mạnh, đây là bằng chứng mới nhất của cách tiếp cận thiếu thiện chí của
Trung Quốc trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký hoặc tham gia đối
thoại có tính xây dựng để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Việt Nam
không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là "khiêu khích"
trong thời gian qua. Ông E.Bren-nan cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc nên
kiềm chế và thương lượng để tránh xung đột, đồng thời đề ra các cơ chế
kiểm soát xung đột.
* Ngày 15-5, cộng đồng người Việt Nam tại Thái-lan ra tuyên bố cực
lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động
bất hợp pháp và rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu chiến,
máy bay hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những
hành động tương tự. Tuyên bố nêu rõ, cộng đồng người Việt Nam tại
Thái-lan yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế,
nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh các
cam kết được nêu trong DOC giữa Trung Quốc và ASEAN và thoả thuận giữa
lãnh đạo cấp cao hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
* Ngày 14-5, Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Anh đã họp bày tỏ
sự đồng lòng của cộng đồng người Việt Nam tại Anh ủng hộ Chính phủ Việt
Nam trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lên án các
hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Các
thành viên Ban chấp hành Hội cũng bày tỏ nhất trí cao lên án các hành
động ngang ngược của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan
Hải Dương-981 cũng như các tàu bè hộ tống ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Bên
cạnh đó, Hội cũng đang xúc tiến tổ chức một cuộc vận động kiều bào
quyên góp ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
cũng như bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi các hành động gây hấn của
Trung Quốc trên biển.
* Cộng đồng người Việt Nam tại Ma-lai-xi-a và Bun-ga-ri đã ra tuyên
bố cực lực phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan
Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt
Nam, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ
tống ra khỏi khu vực trên và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng chung
quanh vấn đề này; ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam áp dụng mọi biện pháp
phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Theo Nhân dân