Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ
họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình;
đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều và gom nội dung một số điều để
xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.
ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ
Dự thảo Luật Đường bộ đề xuất nhiều quy định siết chặt trách nhiệm
của doanh nghiệp vận tải trong sử dụng lái xe, điều hành vận tải. Cụ
thể, Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện kinh
doanh vận tải bằng xe ô tô đã chỉ rõ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không được sử dụng người
lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, quy
định này tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ, nhưng cần được
tách riêng thành một khoản trong quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp
vận tải hành khách, theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch.
Doanh nghiệp vận tải không được sử dụng người không có giấy phép lái xe
hoặc có giấy phép lái xe, nhưng không phù hợp với loại xe, người đang bị
tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải
hành khách...
Nếu Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định một trong những điều kiện
hoạt động của doanh nghiệp vận tải hành khách là người trực tiếp điều
hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã, phải có trình độ
chuyên môn về vận tải, tại dự thảo Luật Đường bộ, quy định này được đưa
vào nghĩa vụ của doanh nghiệp vận tải, thể hiện rõ các hoạt động trong
công tác điều hành vận tải, bao gồm việc điều hành phương tiện, lái xe,
giá cước vận tải...
Bên cạnh đó, quy định về bồi thường thiệt hại trong quá trình vận tải
cũng được luật hoá tại quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh
vận tải hành khách trong dự thảo Luật Đường bộ. Đơn vị vận tải hành
khách có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện
gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật. Điều này
sẽ tăng trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải quản lý lái xe đảm bảo an
toàn, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Để lái xe có ý thức tự giác tuần thủ quy định pháp luật về trật tự an
toàn giao thông, các doanh nghiệp vận tải cũng cần có quy chế, điều
khoản ràng buộc trong hợp đồng lao động lao động với lái xe về trách
nhiệm bồi thường khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả, thiệt hại.
Một vấn đề nữa được dư luận quan tâm góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ
để khi thực thi phù hợp với điều kiện thực tế là dự thảo luật cần có quy
định mở về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, giao thông đô
thị. Tổng hợp nhiều ý kiến cử tri cho biết, dự thảo Luật quy định việc
quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16 -
26% để phát triển đô thị trong tương lai. Nếu quy định tỷ lệ như vậy,
khi quy hoạch buộc phải thu hồi đất sẽ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa,
trong quá trình tổ chức triển khai các đồ án quy hoạch về mạng lưới
đường giao thông có nội dung về cấp bậc của đường, bãi đỗ xe…, nhưng các
nội dung này trong dự thảo luật chưa được quy định. Không gian ngầm
cũng cần được tích hợp vào tỷ lệ quỹ đất giao thông trên mặt đất.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đường bộ cần quy định “mở” để bảo đảm cơ chế
thực hiện các quy hoạch liên quan đến giao thông trong tương lai. Trước
đây các phương tiện dàn hàng ngang trên mặt đất, hiện nay có phương tiện
ngầm, phương tiện trên cao, phương tiện công cộng... Vì vậy, không nên
bó cứng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị...
GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ
Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 đã
được tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính
thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với
mục tiêu xây dựng Luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông
qua.
Báo cáo số 839/BC-UBTVQH15 đã báo cáo đầy đủ nội dung giải trình,
tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất
trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên
quan, trong đó Việt Nam là thành viên; tính khả thi của dự thảo Luật tập
trung rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất với quy định của
Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây
dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật
Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Phí và lệ phí...
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ
đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn
thảo dự án Luật thường xuyên cập nhật, thống nhất các nội dung có sự
giao thoa giữa hai dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn
giao thông đường bộ.
Vấn đề đáng chú ý tại dự thảo Luật Đường bộ là quy định về kết cấu hạ
tầng đường bộ. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xác định rõ trách nhiệm
của các chủ thể trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai
thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; nhiều ý kiến tán thành quy định
phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai
thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nếu bố trí được nguồn lực; một số
ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo đảm thống nhất với quy định
của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách Nhà nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý
kiến các đại biểu Quốc hội, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân
loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ
tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng
đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình
thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường
bộ vào khai thác), Điều 35 (bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 37
(trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường
bộ), Điều 41 (Chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì
kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 42 (nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng,
quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn
thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ)...
Về hoạt động vận tải, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo
Luật, nhất là quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Một số ý kiến
đề nghị cân nhắc, làm rõ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô; đề nghị xác định việc cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối là dịch
vụ hỗ trợ vận tải. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến dại biểu
Quốc hội, chỉnh lý các quy định tại Chương IV theo hướng rà soát, bảo
đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông
đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận
tải, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải và
các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.
Riêng vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ, đa số ý kiến
nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định
lực lượng Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, ngăn chặn
hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; một số ý kiến đề
nghị quy định rõ lực lượng Thanh tra đường bộ không thực hiện thanh tra
đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định
phương tiện trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Ủy ban Thường
vụ Quốc hội bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm
thống nhất với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, vì việc
thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm
định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.
Ngoài những vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà
soát, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung và kỹ thuật lập pháp như đã thể
hiện trong Báo cáo số 839/BC-UBTVQH15./.
TTXVN