Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố, các huyện, xã đã được lựa chọn, đảm bảo các tỉnh, thành phố đều có kết quả cụ thể về bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi.
Nhìn lại hơn 1 năm thực hiện, công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành, với 98.294 hộ dân tham gia (88% là hộ nghèo), tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi là 959,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 48,7 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 34.622 héc-ta, với giá trị bảo hiểm hơn 664 tỷ đồng, 93.945 hộ tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang tham gia.
Về vật nuôi (triển khai tại tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc), tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là: 1.700 con bò, 79.800 con lợn và 621.000 con gia cầm; tổng giá trị được bảo hiểm là 74 tỷ đồng. Về thuỷ sản (triển khai tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh), tổng diện tích tham gia là 1.324 héc-ta, tổng giá trị được bảo hiểm 220 tỷ đồng, với 1.995 hộ tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, số hộ nông dân tham gia bảo hiểm như trên là chưa nhiều (3% số hộ thuộc đối tượng bảo hiểm nông nghiệp), diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn (2,8%), số lượng vật nuôi, thuỷ sản tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp.
Từ thực tiễn cho thấy cơ chế chính sách do Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) ban hành trải qua thực tế đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tế.
Chẳng hạn đối tượng giống cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm bao gồm: cây lúa, trâu bò, lợn gà, tôm cá, đi theo đó là các loại thiên tai dịch bệnh thuộc đối tượng được bảo hiểm. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh thường xảy ra ở các địa phương ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân nhưng chưa được bảo hiểm như bệnh sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh tụ huyết trùng, bệnh sán lá gan…
Ngoài ra, một số địa phương đã phát sinh bệnh dịch song còn lúng túng trong việc xác nhận bệnh dịch nên công tác bồi thường cho người dân còn chậm…
Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng: “Việc giải quyết bồi thường về nguyên tắc phải chính xác, nhanh, đầy đủ và kịp thời để đảm bảo ổn định cuộc sống, kinh doanh trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân. Nhưng trong đợt giải quyết bồi thường vừa qua cũng còn gặp một số khó khăn do việc bồi thường phải dựa vào công bố về thiên tai, dịch bệnh của tỉnh và các cơ quan liên quan. Việc có được công bố này phải mất một thời gian nên bồi thường chậm ảnh hưởng đến ổn định, tái sản xuất của người nông dân”.
Bên cạnh đó, tâm lí người dân chưa quen với bảo hiểm nông nghiệp, còn chưa tin tưởng vào chính sách mới hoặc do nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp. Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp trong năm 2012 còn khó khăn, giá lúa, giá thịt gia súc, tôm cá giảm, trong khi đó giá thức ăn gia súc tăng cao nên sản xuất nông nghiệp gặp khó, ảnh hưởng đến sự tham gia của các hộ dân.
Trước những điểm còn chưa hợp lý khi triển khai loại hình bảo hiểm mới này, Bộ Tài chính đã đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ tất cả những khó khăn phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến trình của công tác này.
Tới đây Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung về việc lựa chọn địa bàn, đối tượng, tiêu chuẩn tham gia bảo hiểm; Bộ Tài chính ban hành Quyết định bổ sung, sửa đổi quy tắc bảo hiểm, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm.
Về phía các Ban chỉ đạo địa phương phải thống kê, rà soát các đối tượng (hộ dân, cơ sở sản xuất, diện tích trồng và tổng đàn); các chỉ số như năng suất, giá trị kinh tế để làm căn cứ cho việc tính phí bảo hiểm và để xác định điều kiện hợp đồng, giải quyết bồi thường. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩ của bảo hiểm nông nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng: Ngoài đối tượng nghèo và cận nghèo, các doanh nghiệp bảo hiểm phải có những sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho cả những hộ sản xuất lớn, có quy mô sản xuất lớn hơn như trang trại, hợp tác xã… Qua đó, tìm cách để các hộ sản xuất này tự nguyện tham gia và có thể đảm đương được phí bảo hiểm chứ không phải chỉ hộ nghèo và cận nghèo. Việc 88% người nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chúng ta vẫn còn trông chờ vào ngân sách.
Vũ Trọng- Chinhphu.vn