Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 14/7/2012 4:37'(GMT+7)

Gần 2.000 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông Hà Nội

 
Theo Chương trình này, Hà Nội phấn đấu giải quyết được ít nhất 27 điểm ùn tắc; giảm 40% thời gian ùn tắc tại 62 điểm còn lại; không để phát sinh điểm ùn tắc mới và dựng 8 cầu vượt bằng thép tại những nút giao quá tải.

Để thực hiện thành công Chương trình này, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức xã hội hóa, BT, PPP và BOT, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bao gồm ưu đãi về lãi suất khi vay vốn, miễn giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế nhập khẩu phương tiện, thiết bị, được ưu tiên giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án khác thực hiện hoàn vốn đối với các công trình giao thông trọng điểm thực hiện theo hình thức BT và các dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa. Đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác quỹ đất đô thị để tạo vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời xây dựng các chính sách về giá vé, giá cung cấp dịch vụ đỗ xe thay cho phí trông giữ như hiện nay nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giao thông tĩnh của Thành phố.

Ngoài ra thành phố sẽ đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tăng thêm thẩm quyền xử lý của lực lượng Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng và Cảnh sát Giao thông trong việc chế tài xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Hà Nội cũng tăng mức xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, đặc biệt là các hành vi tái phạm, hành vi trực tiếp gây ùn tắc để nâng cao hiệu quả răn đe, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm tạo được sự đồng thuận cao của người dân, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường phân cấp về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, quản lý trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị cho chính quyền cơ sở. Quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với chính quyền cơ sở trong việc quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Cùng với cơ chế chính sách trên, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; Từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương an toàn giao thông, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, qua đó có tác động mạnh trong phòng ngừa, răn đe với mọi đối tượng vi phạm giao thông.

100% các quận, huyện, thị xã, xã, phường xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch được duyệt, trong đó kiên quyết không để lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị./.

Thanh Bình (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất