Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 27/6/2023 9:11'(GMT+7)

Đưa hợp tác nghị viện Việt Nam-Thụy Sĩ ngày càng hiệu quả, thực chất

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 30/6.

Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, đồng thời là hoạt động đối ngoại nghị viện quan trọng nối lại trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước sau đại dịch COVID-19.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tốt đẹp. Về chính trị-ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.

Về kinh tế, hợp tác giữa hai nước nhìn chung phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt khoảng 806 triệu USD, giảm 6,8% so với năm 2021 và giảm sâu so với thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019 đạt trên 2,8 tỷ USD).

Thụy Sĩ đứng thứ 21 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 206 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD. Hai bên đang thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Về hợp tác phát triển, Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác của Thụy Sĩ. Tháng 3/2021, Thụy Sĩ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA là 78 triệu Franc Thụy Sĩ (CHF - khoảng 76 triệu USD).

Năm 2023, Thụy Sĩ tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới, cao, sạch, các dự án môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng, lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thụy Sĩ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lâu dài, trong những lĩnh vực có thế mạnh như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch.

Thụy Sĩ đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và giấy phép làm việc cho các chuyên gia, doanh nghiệp Thụy Sĩ. Trong khu vực kinh tế tư nhân, Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi có các quy định rõ ràng về năng lượng tái tạo, nâng cấp lưới điện và cho phép các cơ sở quản lý và tái chế chất thải hiện đại.

Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam và đồng quan điểm trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế, công bằng, bình đẳng tại Liên hợp quốc, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình thông qua hành động cụ thể.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện có khoảng 8.000 người, trong đó hơn một nửa đã nhập quốc tịch Thụy Sĩ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo về tình hình Việt Nam và vận động Thụy Sĩ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh; hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án chăm sóc y tế cho bệnh nhân phong, xóa đói giảm nghèo; Hội người Việt Nam và Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam mở trường Bình Minh tại Zurich dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt.

Thúc đẩy hợp tác nghị viện

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện hai nước phát triển tích cực. Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội.

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước đã được thành lập và triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện cũng như hợp tác giữa hai nước.

Tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Với những kết quả hợp tác thời gian qua, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, chuyến thăm chính thức đến Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas sẽ đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất.

Dua hop tac nghi vien Viet Nam-Thuy Si ngay cang hieu qua, thuc chat hinh anh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tại buổi tiếp Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass, ngày 16/6/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm chính thức đến Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas nhân dịp hai nước kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với Việt Nam, Thụy Sĩ luôn là đối tác rất quan trọng và tin cậy. Đồng thời, Thụy Sĩ là nơi đặt rất nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, có vị thế rất quan trọng với thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm giữa hai Chủ tịch Quốc hội lần này, đó là việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), trong đó Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong Khối.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ bàn giải pháp để gia tăng thương mại và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau, nhất là trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Thụy Sĩ còn khiêm tốn.

Về hợp tác nghị viện, dự kiến trong chuyến thăm, hai bên sẽ bàn thảo các biện pháp tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện, duy trì trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các ủy ban chuyên môn của Quốc hội, nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước; tăng cường giao lưu nghị sĩ; trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của nghị viện; hợp tác, giám sát việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.

Hai bên tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU, APF; phối hợp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (phê chuẩn, thực hiện các công ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, ban hành văn bản thúc đẩy đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, khuyến khích kinh tế tuần hòa, chuyển đổi số, phát triển năng lượng sạch...).

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nhấn mạnh: Thụy Sĩ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, đồng thời xác định Việt Nam là một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng. Hai bên còn nhiều dư địa hợp tác.

"Chúng tôi mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EFTA; đồng thời tăng cường hợp tác song phương nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp-khởi nghiệp, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân. Đây cũng chính là những nội dung mà chúng tôi muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm của Chủ tịch Martin Candinas," Đại sứ cho biết./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất