Nghề làm sách là nghề nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp những thị hiếu tốt đẹp, những khát vọng cao cả cho con người. Điều này lại càng đúng với người làm sách dành riêng cho trẻ em. Các nhà giáo dục vẫn thường ví von rất hình ảnh rằng, trẻ em như tờ giấy trắng. “Tờ giấy” ấy đẹp-xấu, hay-dở ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc người lớn “vẽ” lên đó những điều gì.
Dư luận lại một phen “nổi sóng” bởi một cuốn sách dành cho “độc giả nhí” lại xuất hiện một số chi tiết lạ, phi lô-gích, thiếu tính giáo dục. Đó là cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của Nhà xuất bản Kim Đồng. Cuối tuần qua, khi Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) “tuýt còi”, Nhà xuất bản Kim Đồng phải tạm dừng phát hành cuốn sách này.
Sau khi sự việc này xảy ra, có người tỏ ý tiếc cho một nhà xuất bản từng có uy tín trong việc làm sách cho thiếu nhi mấy chục năm qua, nay cũng không tránh khỏi “bão dư luận” vì để xảy ra những lỗi ngô nghê, phản cảm. Dù chưa đến mức phải xử phạt hành chính, nhưng tổn thất lớn nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng là giảm sút uy tín, niềm tin từ độc giả. Hơn nữa, sự việc sai sót từ cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” càng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về tình trạng “rác xuất bản” như “mớ bùng nhùng” chưa được “dọn sạch”, thì lại có nguy cơ… bùng phát! Đừng quên một “con số không vui” trong lĩnh vực xuất bản năm 2014: Trong số gần 400 ấn phẩm vi phạm thì có gần 100 là đầu sách thuộc lĩnh vực giáo dục dành cho thanh, thiếu niên với nhiều sai sót như: Sai kiến thức, sự kiện, sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm…
Nghề làm sách là nghề nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp những thị hiếu tốt đẹp, những khát vọng cao cả cho con người. Điều này lại càng đúng với người làm sách dành riêng cho trẻ em. Các nhà giáo dục vẫn thường ví von rất hình ảnh rằng, trẻ em như tờ giấy trắng. “Tờ giấy” ấy đẹp-xấu, hay-dở ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc người lớn “vẽ” lên đó những điều gì. Nếu đó là những hình ảnh kiếm đao, súng ống, “máu chảy đầu rơi” hay viết ra những chi tiết, câu từ dung tục, phản cảm… thì cũng là một cách “đầu độc” gián tiếp tâm hồn, suy nghĩ non nớt của trẻ thơ, trong đó có thể có cả con em của chính những người trực tiếp làm ra cuốn sách đó.
Trong xã hội thông tin bùng nổ, các bậc cha mẹ luôn có tâm lý bất an mỗi khi con trẻ sa đà vào các trò chơi điện tử và những thứ tạp nham, vô bổ trên “thế giới phẳng”, do đó đã cố gắng tìm mọi cách để định hướng, động viên trẻ ham mê đọc sách cho tâm hồn thêm lành mạnh, phong phú. Các nhà xuất bản nói chung, những người làm sách cho trẻ em nói riêng, nên coi đây là một “cơ hội vàng” để nỗ lực phấn đấu làm ra nhiều cuốn sách hay, bổ ích phục vụ thiếu nhi. Làm ra một cuốn sách hay cho trẻ nhỏ, tất nhiên phải tốn nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ, hưởng ít thù lao hơn so với những cuốn sách thị trường khác, nhưng bù lại, sản phẩm đó sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực, nhân văn cho độc giả và xã hội. Ngược lại, nếu làm sách cho trẻ em mà vẫn tính toán thiệt hơn, mải mê kiếm tìm lợi nhuận hay cố tình “ăn xổi”, cốt có nhiều sản phẩm bán ra thị trường thì lợi bất cập hại.
Đối với một nhà xuất bản, xây dựng thương hiệu, kiến tạo lòng tin cho công chúng vốn đã khó, song quan trọng là phải giữ được vị thế, hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc, vì trên thị trường sách hiện nay, cái tên nhà xuất bản luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của độc giả./.
Thiện Văn (QĐND)