Thứ Hai, 30/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 26/11/2009 9:0'(GMT+7)

Dùng chung cơ sở hạ tầng liên ngành: Cần vào cuộc đồng bộ

Dùng chung cơ sở hạ tầng liên ngành ở Việt Nam còn nhiều bất cập

Dùng chung cơ sở hạ tầng liên ngành ở Việt Nam còn nhiều bất cập

Một trong những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã dành nhiều thời gian giải trình trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 18/11 vừa qua liên quan đến phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin bao gồm cả qui hoạch dùng chung, ngầm hóa và bước đầu ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam bao gồm dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau và với các ngành giao thông, điện lực, cấp thoát nước và các ngành khác. Việc triển khai này đang được áp dụng theo nguyên tắc Nhà nước bắt buộc sử dụng chung trong một số trường hợp mà nếu không dùng chung thì không thiết lập được mạng viễn thông hoặc nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường và quy hoạch đô thị, hoặc phục vụ các mục đích quốc phòng, an ninh, công ích. Trong các trường hợp khác, khuyến khích dùng chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích thương mại của các bên.

Những kết quả ban đầu

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện nay tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều dùng chung một phần cơ sở hạ tầng để kết nối các mạng với nhau, nếu không dùng chung thì dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp không thể liên lạc (kết nối) được với nhau dẫn tới không thể phát triển được dịch vụ. Đối với trường hợp tự thỏa thuận, một số doanh nghiệp đã có đàm phán và sử dụng chung các tuyến cáp quang (Viettel và VNPT, EVNT và Viettel, EVNT và VNPT, Mobifone và Vinaphone dùng chung các trạm BTS).

Giữa viễn thông với các ngành khác cũng đang diễn ra việc dùng chung cột điện để treo cáp, một số tuyến phố có hệ thống đường ống cáp ngầm dùng chung giữa các ngành giao thông công chính, điện lực, cáp viễn thông, truyền hình.

Với việc ngầm hóa mạng cáp tại các đô thị, một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (đồng nghĩa với việc phát triển các dịch vụ viễn thông nhanh) như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Thừa thiên - Huế và một số đô thị mới như Bắc Ninh, Hà Nam,... đã triển khai nhiều hoạt động ngầm hóa các mạng cáp, tuy nhiên nhìn chung kết quả chưa theo kịp tốc độ phát triển, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Ở Hà Nội, để chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã chủ động có các đề án có mức đầu tư lớn để xây dựng các hệ thống thoát nước và ngầm hóa các tuyến cáp Các dự án tại Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 - từ 2007 đến năm 2010 gồm các dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được phê duyệt dự án sẽ phải hoàn thành trước Quý II/2010 để phục vụ lễ kỷ niệm 1.000 năm. Giai đoạn 2 – từ 2010 đến 2015 , thực hiện các dự án còn lại .

UBND Thành phố đã giao cho Viễn thông Hà Nội (thuộc VNPT), Viettel và Điện lực Hà Nội thực hiện các dự án xây dựng công bể cáp tại một số tuyến phố và yêu cầu các doanh nghiệp khác thuê lại. Đây là một chủ trương tốt để các doanh nghiệp cùng với địa phương đầu tư vào các công trình ngầm vì rất tốn kém. Tuy nhiên, giải pháp triệt để nhất vẫn là phải đầu tư hệ thống cống, bể, hầm ngầm tốt và bắt buộc các doanh nghiệp viễn thông có cáp phải có phương án thuê lại và ngầm hóa các mạng cáp.

Tính tới thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành 2/5 dự án thuộc dự án thí điểm hạ ngầm 100%đường dây trung thế, hạ thế, hệ thống tuyến cấp thông tin và chiếu sáng trên 5 tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và thuộc quận Ba Đình. Đã tiến hành hạ ngầm ba tuyến: Tuyến phố xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Tiên Hoàng - Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền - Hàng Khay, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Đang triển khai dự án tại các tuyến phố khác như Nghi Tàm - Âu Cơ, Hoàng Diệu, Phan Dình Phùng, Cát Linh - La Thành…

Nhưng cũng còn nhiều bất cập

Đánh giá về công tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng đối với trường hợp bắt buộc dùng chung, nhìn chung là tốt. Nhưng đối với các trường hợp tự nguyện thì chưa. Việc sử dụng chung liên ngành cũng vậy. Các doanh nghiệp cũng chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác dùng chung, có trường hợp lại phải trả giá cả quá cao.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, Tập đoàn Điện lực đưa ra giá thuê cột điện cao gấp 8 lần so với trước đây, các doanh nghiệp viễn thông không chịu nổi, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính đang xem xét việc hiệp thương giá giữa các doanh nghiệp. Quy hoạch BTS và thủ tục cấp phép xây dựng BTS chưa hỗ trợ được doanh nghiệp phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc ngầm hóa mạng cáp tại các đô thị còn khó khăn do chưa có công trình ngầm tốt.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND các địa phương chủ động hơn trong việc thúc đẩy sử dụng chung cơ sở hạ tầng, vì nhằm đảm bảo cảnh quan môi trưởng tại địa phương, cần điều chỉnh lại quy hoạch các trạm BTS tại địa phương một cách hợp lý, vừa đảm bảo để cho doanh nghiệp phát triển được mạng lưới nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan môi trường và quy hoạch đô thị. Không nên tổ chức cấp phép quá nhiều đối với các BTS mà nên chọn ra khu vực nào mới cần xây cột ăng ten to, cao để sử dụng chung chẳng hạn như trong công viên.

Riêng đối với công trình ngầm tại các đô thị, do chưa có hệ thống cống thoát nước tốt như các nước tiên tiến cho nên việc ngầm hóa các mạng cáp cũng gặp nhiều khó khăn, cần phải có thời gian, làm từng bước. Cách làm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là tốt, cần được tổng kết và nhân rộng. Tuy nhiên cần có những giải pháp mạnh hơn, ví dụ trong những khu đô thị mới, khu công nghiệp cần bắt buộc có công trình ngầm và bắt buộc ngay từ đầu việc ngầm hóa các mạng cáp. Đối với các khu đô thị cũ, làm từng bước theo mô hình địa phương và doanh nghiệp cùng đầu tư cho công trình ngầm, theo phương thức cuốn chiếu.

“Cũng nên nghĩ đến phương án xã hội hóa mạnh hơn việc xây dựng và khai thác công trình ngầm, tùy điều kiện của từng địa phương. Một số doanh nghiệp tư nhân có ý tưởng sẽ xây dựng và cho thuê công trình ngầm, nếu có cơ chế khai thác hợp lý đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp” - Bộ trưởng nói.

Có thể nói, chỉ riêng các doanh nghiệp viễn thông nỗ lực thì không đủ, để việc dùng chung cơ sở hạ tầng hiện nay hiệu quả cần có một sự vào cuộc đồng bộ của liên ngành. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, đó là phương án hợp lý nhất để việc phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT của Việt Nam đạt kết quả như mong muốn.

Hiền Mai - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất