Hội đồng châu Âu vừa tiến hành bỏ phiếu ngày 22/12 để ra quyết định cuối cùng về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng với mặt hàng giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam.
Đáng mừng là trong số các phiếu phản đối và phiếu trống thì đã có 13 phiếu đã bỏ ủng hộ Việt Nam bởi họ cho rằng đây là một quyết định thiếu công bằng, không phản ảnh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, và đi ngược những gì trước đó đã diễn ra.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết, việc Ủy ban châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất xứ Việt Nam đã gây ra các tác động hết sức tiêu cực đối với ngành công nghiệp giày dép của Việt Nam, một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam sử dụng trên 500.000 lao động với đa số là lao động nữ.
Hơn nữa, có thể nói ngành công nghiệp giày dép Việt Nam đang phải chịu tác động kép rất nặng nề khi mà mới đây Cộng đồng châu Âu đã loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo Thứ trưởng, trước đó, nhiều lần Bộ đề nghị EC xem xét lựa chọn nước thay thế có các điều kiện tương đối tương đồng với Việt Nam như Inđônêxia, Thái Lan nhưng không được chấp nhận.
Những phân tích của chính EC cũng cho thấy, bên nguyên đơn là các nhà sản xuất giày châu Âu không phải gánh chịu thiệt hại do sức ép của hàng nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. Thị phần của các nhà sản xuất châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn điều tra rà soát (từ tháng 10/2008 đến nay) so với năm 2006.
Không những thế, đề xuất này còn đang đi ngược lại với chính sách chung của Cộng đồng châu Âu là thúc đẩy tự do hóa thương mại. Thậm chí, đề xuất này còn khuyến khích sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại chính quan điểm của đa số nước thành viên châu Âu tại cuộc họp ngày 19/11.
Về phía người tiêu dùng châu Âu, những tổn hại mà phán quyết này gây ra là không nhỏ khi họ mất cơ hội được lựa chọn hàng hoá chất lượng với mức giá hợp lý hơn. Bản thân các điều kiện sản xuất giày của châu Âu cũng không cho phép có thể sản xuất ra một lượng lớn sản phẩm giày dép đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại châu Âu.
Chưa kể, quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư, kinh doanh giày dép tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ quyết định phi lý này là không nhỏ.
Vì vậy, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho rằng, việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu, trong khi Việt Nam đang làm hết sức để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu./.
Theo Uyên Hương (Vietnam+)