Trao đổi với báo chí bên lề lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức sáng 21-12 tại Hà Nội, Đại tướng Lê Văn Dũng (bí thư Trung ương Đảng, ủy viên thường vụ Quân ủy trung ương, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND) nói: Hiện tại quân đội chúng ta được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có những loại hiện đại như của thế giới...
Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế và mức sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã dành một phần ngân sách cho quân đội, phần lớn cũng phải lo xây dựng phát triển và bảo đảm đời sống của nhân dân. Từng bước hiện đại có nghĩa là kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta trích một phần ngân sách hằng năm của quốc gia để trang bị cho quân đội đến đó.
Trong chiến tranh, các nước bè bạn trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc và cả người dân trong những nước có chiến tranh với chúng ta... đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn. Sau khi đất nước thống nhất, đi lên xây dựng CNXH, cùng với quá trình phát triển kinh tế thì chúng ta phải tự lực... Từng bước hiện đại hóa hiện nay còn là từng bước xây dựng nền quốc phòng ngày càng phát triển trên cơ sở nền công nghiệp quốc gia. Nền quốc phòng này có cả thế trận, có cả con người và có cả công nghiệp quốc phòng để tự sản xuất các loại vũ khí trang bị cho quân đội.
* Đâu là thách thức lớn nhất đối với quân đội trong tình hình hiện nay, thưa đại tướng?
- Chúng ta đã nhận định tình hình thế giới sẽ ít có khả năng diễn ra chiến tranh tổng lực, chiến tranh hủy diệt lớn. Tuy nhiên, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, tranh chấp biên giới và sắc tộc... vẫn diễn ra. Cho nên, khả năng 10-15 năm, có thể là 20 năm nữa, ít có khả năng xảy ra chiến tranh ở đất nước chúng ta.
Thách thức lớn hiện nay của quân đội chúng ta là xây dựng quân đội chính quy, có trình độ hiện đại và được huấn luyện tốt. Chúng ta không xây dựng quân đội để chiến tranh mà xây dựng quân đội để đánh lại quân xâm lược, để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải huấn luyện để nâng cao trình độ, kỹ chiến thuật và khả năng chiến đấu tổng hợp của quân đội.
|
Các chiến sĩ hải quân VN tại đảo Trường Sa Đông - Ảnh: ĐÀ TRANG |
* Vừa qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có nhiều chuyến công du quốc tế, như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ và Cộng hòa Pháp, Thứ trưởng Nguyễn Huy Hiệu thăm và làm việc tại Hàn Quốc, trước đó đại tướng cũng đã thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc?
- Chính sách đối ngoại của mình là đa phương hóa, đa dạng hóa, không phân biệt thể chế chính trị, cũng không phân biệt ở phạm vi nào. Nói như thế có nghĩa không chỉ những bạn bè cũ, mà ngay cả những quốc gia trước đây có chiến tranh với chúng ta thì chúng ta cũng quan hệ.
Trong đa phương hóa, đa dạng hóa có một phần quan hệ quân sự, hợp tác ngoại giao quân sự rất quan trọng, mục đích chính là để mình hiểu những quan điểm, đường lối quân sự của các nước khác, và các nước cũng muốn xem đường lối quân sự của chúng ta trong tình hình hiện nay như thế nào. Vừa rồi chúng ta ra Sách trắng quốc phòng cũng là để công bố những chủ trương của chúng ta về quốc phòng.
Bên cạnh đó, điều này còn để tạo hiểu biết lẫn nhau trong quá trình quan hệ, tạo được sự hòa bình, hợp tác và không có nghi ngờ lẫn nhau giữa các quân đội trong khu vực cũng như trên thế giới... Đối với quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, đây là quan hệ hai bên cùng có lợi, không có chuyện dựa vào nước này để chống nước kia, tất cả cộng đồng thế giới đều hiểu nhau về quân sự, quốc phòng, quan điểm của thể chế chính trị đó để chúng ta góp phần xây dựng ổn định, hòa bình trên thế giới và trong khu vực.
Tôi sang Trung Quốc vừa qua, mục đích chính là trao đổi về công tác Đảng, công tác chính trị... Chúng ta trao đổi kinh nghiệm để xây dựng quân đội cho đất nước mình, trao đổi xem thấy cái gì vận dụng tốt trong điều kiện của mình thì làm một cách tích cực, còn cái gì thấy không được thì trên cơ sở đó tự đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt của mình.
* Vấn đề nào được đề cập trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của đại tướng?
- Trao đổi về lĩnh vực quân sự, chúng tôi đều xác định giáo dục quan điểm cho cán bộ, chiến sĩ, tướng lĩnh, sĩ quan trong quân đội và quân đội hai bên là tiếp tục giữ mối quan hệ thật tốt, giữ ổn định ở các vùng biên giới trên bộ và trên biển, chấp hành mọi chủ trương, chỉ thị của cấp trên.
* Thưa đại tướng, quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển?
- Hải quân là một bộ phận của quân đội, đảm trách nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời, vùng đảo của Tổ quốc ta, bảo vệ thềm lục địa, bảo vệ quá trình thăm dò khai thác tài nguyên trên biển... Vấn đề ta với Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta đang tìm mọi cách giải quyết và tới đây chúng ta sẽ cùng với bạn bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển. Như vậy thì tình hình sẽ ổn định dần và chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung.
Làm sao để hai nước, hai dân tộc, hai quân đội gần gũi với nhau trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước sẽ có những chủ trương mới để đàm phán với Trung Quốc, giải quyết ổn định tình hình biên giới trên biển./.
(Theo Tuổi trẻ online)