Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 16/11/2009 21:21'(GMT+7)

ElBaradei: "Mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân đang trở nên nghiêm trọng”

Ông Mohamed ElBaradei

Ông Mohamed ElBaradei

 Cách đây ¼ thế kỷ, vị luật sư và cựu ngoại giao Ai Cập này đã làm việc trong IAEA. Cơ quan này của Liên Hợp Quốc đặt tại Viên-Áo, có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự và hạn chế sử dụng vào múc đích quân sự. Những băng hình dữ liệu cách đây 12 năm, thời điểm ông được bầu làm người đứng đầu IAEA, cho thấy ông là một người do dự và không thoải mái khi đóng vai trò nhà trung gian hoà giải. Từ cuộc khủng hoảng Irak năm 2002-2003 tới giải Nobel hoà bình trao cho IAEA và cá nhân ông năm 2005 đã thay đổi mọi điều. Vấn đề hạt nhân Iran khó khăn hiện nay chắc chắn sẽ chứng tỏ được bản thân ông… Đó là một con người hài hoà, nhưng lo lắng như một công dân của thế giới. Ông đã sẵn sàng bàn giao chức vụ cho người Nhật Bản Yukiya Amano. Sau đây là cuộc phỏng vấn giữa báo L`EXPRESS.fr với ông.

Cách đây 12 năm, khi ngài trở thành Tổng giám đốc IAEA, cơ quan này của LHQ có khuynh hướng về kỹ thuật là chính. Ngày nay, cơ quan được nhìn nhận như một nhân tố chính trị quan trọng. Vậy điều gì đã xảy ra?

Cuộc chiến tranh Irak hiện ra rất rõ qua máy chiếu. Từ năm 2002-2003, cứ 2 tuần chúng tôi cần phải đưa ra một bản báo cáo trước Hội đồng bảo an. Hàng trăm nhà báo theo sát chúng tôi tại Bátđa, cùng với ông Hans Blix. Tại đó, tôi đã kêu gọi người Irak hợp tác. Cũng chính tại thời điểm trên, dư luận đã hiểu rõ được các vấn đề-cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân, việc giám sát các cơ sở…-là một việc rất quan trọng.

Sự kiện ngày 11/9/2001 cũng đã làm chúng tôi lo lắng về một chủ nghĩa khủng bố hạt nhân hiện hữu. Điều này ngày nay trở thành mối đe doạ lớn nhất. Hiện tại, chúng tôi quan tâm tới vấn đề hạt nhân Iran. Trong một chừng mực, nguy cơ gây mất ổn định tại Trung Đông có thể còn quan trọng hơn giai đoạn Irak. Iran đã trở thành một trong những cường quốc tại Trung Đông và nước này đang cố gắng chứng tỏ điều đó. Đó là vấn đề cơ bản.

Ngài có thể nói rõ hơn?

Đó là một cuộc chiến giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây nói chung. Đó là về vấn đề dầu lửa, nhưng kèm theo đó là vấn đề tầm ảnh hưởng. Trung Đông sẽ là một khu vực thân cận của phương Tây? Điều này sẽ tạo ra một nguồn cung cấp dầu lửa đảm bảo? Một số chế độ chính trị sẽ phát triển theo hướng dân chủ hơn? Tại Irak, Afghanistan, Li Băng và những nơi khác sẽ có những chính quyền thực sự? Và ai sẽ là nhân vật được lòng dân nhất? Phải chăng là ông Barack Obama? Mahmoud Ahmadinejad? Hay Hassan Nasrallah-Thủ lĩnh nhóm Hezbollah ở Li Băng?

Có một nghịch lý tại IAEA. Người Mỹ đã có công trong việc thành lập tổ chức này vào năm 1957 và ngày nay họ tiếp tục tài trợ phần lớn ngân sách. Tuy nhiên, chính sự đối lập của IAEA đối với chính quyền Bush trong cuộc khủng hoảng Irak đã làm cho ông và IAEA trở nên mạnh hơn…?

Đúng. Nhưng không phải một nước tài trợ nhiều cho IAEA lại có nhiều quyền kiểm soát. Nếu IAEA ngày càng nổi tiếng, đó chính là bởi IAEA đã chứng minh được rằng cơ quan này độc lập và đưa ra những ý kiến trên cơ sở hoạt động thức tế. Tiếp đó, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn căng thẳng với chính quyền Bush. Nhưng từ 2 tuần nay, tôi đã nói chuyện 3 lần với ông Barack Obama, người kế nhiệm ông Bush và chúng tôi đồng ý với chính quyền hiện nay ở Washington khi chính quyền khẳng định rằng tất cả các quyết định phải được dựa trên sự chính xác và pháp lý. Chúng tôi cần phải công minh, điều này có nghĩa là không được nói chung chung.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W. Bush, cách tiếp cận vấn đề của phe tân bảo thủ Mỹ có hại tới mức độ nào? Và ngày nay chúng ta còn phải trả giá đắt?

Đúng, tôi tin là như vậy. Chúng ta hãy xem lại các hồ sơ tại thời điểm này-Bắc Triều Tiên và Iran. Ngay năm 1992, một trong những bản báo cáo của chúng tôi đã cảnh báo đối với trường hợp của Bắc Triều Tiên. Một cuộc đối thoại đã được khởi động dưới thời Clinton và một lịch trình đã được thương lượng để Bình Nhưỡng tôn trọng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các cuộc gặp trên đã bị gián đoạn dưới thời chính quyền Bush. Sau đó Washington đã tố cáo Bình Nhưỡng dối trá. Đầu tiên, chúng tôi đơn giản nghi ngờ Bắc Triều Tiên che giấu chương trình sản xuất Plutonium tại các khu vực mà chúng tôi không thể đến kiểm tra. Cuối cùng, thế giới phải đối mặt với chính đất nước này sở hữu những vũ khí hạt nhân.

Tại Iran, từ 6 năm nay tôi đã giới thiệu một tá những kịch bản cho phép hạn chế âm mưu của Téhéran nhằm tạo ra cơ sở cho một cuộc đối thoại. Nhưng ý tưởng đó đã đánh thức tôi quay trở lại với thực tế. Giống như Willy Brandt, tôi thấy mình là một người không thực tế. Tôi mong muốn thế giới phải hoàn hảo, nhưng tôi thừa nhận rằng thế giới không phải như vậy. Vì vậy, tôi chấp nhận khuyết điểm và tôi hoạt động trong bối cảnh đó.

Nhiều người Mỹ cho rằng ngài ngây thơ…

Những người Triều Tiên, Irak, Iran, Mỹ gọi tôi bằng những cái tên kỳ cục! Tôi không tin mình ngây thơ. Tôi phân xử dựa trên những kết quả. Cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn còn chưa kết thúc. Liệu những năm tới các nước sở hữu vũ khí hạt nhân có thể dựa vào thứ quyền lực tinh thần gì để buộc những nước khác đang mạo hiểm trang bị vũ khí hạt nhân từ bỏ nhu cầu này?

Braxin, Nam Phi, thế giới Ảrập không che giấu sự sốt ruột của họ. Rất nhiều người phàn nàn về Ấn Độ, nước đã phát triển vũ khí hạt nhân. Họ quên rằng giữa những năm 1970 và 1997, Ấn Độ đã là một trong những nước ủng hộ giải giáp vũ khí hạt nhân: tại diễn đàn Liên Hợp Quốc năm 1998, ông Rajiv Gandhi khi đó là thủ tướng đã lên tiếng ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đã không diễn ra điều gì cả. Và những người Ấn Độ đã rút ra được bài học.

Chính sách của những người tân bảo thủ Mỹ đã chắp cánh cho những chế độ dân tuý.

Người ta nhận xét tôi là không thực tế, nhưng đâu là những chiến thắng của những người tân bảo thủ trên khi cho tôi là “không thực tế”? Họ đã thất bại tại Bắc Triều Tiên, Irak và trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Họ cũng làm cho mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân thêm trầm trọng bởi vì tôi thấy hố ngăn cách giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo vẫn còn rất sâu. Tại thế giới Hồi giáo, chính sách của những người tân bảo thủ đã chắp cánh cho những chế độ dân tuý nhất.

Ngài nghĩ gì về những tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Iran?

Kết quả không chậm trễ. Trong những cuộc đàm phán cuối cùng vào tháng 10/2009, Téhéran đã cố gắng loại bỏ Paris khỏi quá trình đàm phán. Tôi tin rằng cuối cùng không đạt được gì cả, tôi biết người Iran đã hành động để đáp lại một số tuyên bố đến từ Pháp. Trong các vấn đề dạng này, tất cả các phía cần phải tránh những động thái gây hấn và những lời nói cứng rắn. Tôi đã nói điều này với những người Iran, Mỹ và Pháp.

Nói về “Trục xấu xa”, nhắc đến quỷ Xa tăng, cáo buộc những nhà lãnh đạo dối trá… Không gì trong số đó tạo thuận lợi cho thiết lập đối thoại. Không một chính khách nào công khai chỉ trích nước ngoài lại có thể ngay sau đó gửi đặc phái viên tới để bắt đầu các cuộc đàm phán trong không khí tin cậy. Ông Nicolas Sarkozy dường như chắc chắn rằng Iran muốn phát triển một vũ khí hạt nhân. Về phần mình, tôi không hoàn toàn tin như vậy. Và Leon Panetta, ông chủ của CIA cũng còn ít chắc chắn điều đó hơn vị tổng thống Pháp.

Một cuộc tấn công quân sự của Ixraen chống Iran có thể gây ra những hậu quả gì?

Đó sẽ là một thảm hoạ lớn. Nếu Ixraen cần phải thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân chống Iran, Téhéran sẽ tập trung toàn bộ sức mạnh để phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân. Giả sử Iran tìm cách phát triển một vũ khí hạt nhân thực sự, tôi chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates: một cuộc tấn công quân sự của Israen sẽ cho phép trì hoãn thời hạn. Không hơn nữa.

Ở Iran, không có giải pháp nào khác ngoài quá trình ngoại giao.

Những người Ixraen thích nhắc lại rằng họ đã tấn công cơ sở hạt nhân Osirak của Irak năm 1981. Nhưng họ quên xác định rằng ngay năm sau đó Saddam Hussein đã thực hiện một chương trình hạt nhân bí mật để phát triển vũ khí hạt nhân. Về những lệnh trừng phạt, nó có thể làm cho Iran khó khăn nhưng không giải quyết được vấn đề. Theo ý tôi, không có giải pháp nào khác ngoài quá trình ngoại giao. Đó là con đường duy nhất.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cần phải được soạn thảo lại vào tháng 4/2010 tại New York. Những sự kiện diễn ra nhiều năm qua chỉ ra sự yếu kém của hiệp ước. Vậy sẽ soạn thảo lại như thế nào?

Có rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần phải chứng minh cụ thể bằng lời nói và hành động rằng họ sẽ giảm từng bước kho vũ khí hạt nhân của mình và họ mong muốn một thế giới giải giáp vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama và Nga đã cam kết thực hiện như vậy.

Vấn đề còn lại, nhiệm kỳ của chúng ta cần phải được sửa đổi: tại hơn 90 nước trên thế giới, IAEA có quyền lực hạn chế, thậm chí là không trong việc tiến hành các hoạt động thanh sát. Đó là trường hợp ở Xyri hay Iran. Về phần Hội đồng bảo an, Hội đồng đã không làm việc một cách có hệ thống. Không một cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện thành công năm 1992 sau lời cảnh báo của chúng tôi chống lại Bắc Triều Tiên. Cũng như vậy vào tháng 01/2003, khi Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tại Ấn Độ, Pakistan hay Ixraen, các nghị quyết của Hội đồng bảo an bị lãng quên.

Việc cải tổ Liên Hợp Quốc là cần thiết?

Đúng, nhưng không chỉ cần phải thay đổi cấu trúc của Hội đồng bảo an mà phải làm cho Hội đồng có nhiều đại diện hơn. Chúng ta cũng cần phải cải thiện cơ cấu hoạt động và làm cho nó hiệu quả hơn, đặc biệt trong phòng ngừa xung đột. Quyền can thiệp là một nguyên tắc quan trọng, nhưng khi nào được thực hiện? Giữa phương Nam và phương Bắc, quan hệ vẫn còn rất xấu. Hãy nhìn Irak. Khoảng 1 triệu dân Irak bị chết. Chúng ta đã đếm đúng số lượng họ chưa? Chúng ta đã biết lai lịch của họ? Không.

Tại thế giới Ảrập và những nơi khác, có những kẻ đánh bom tự sát. Có những kẻ khủng bố. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng khoảng 2 tỷ người sống với 2 USD/ngày và tôi nghi ngờ lòng thù hận của họ đối với những người giàu nhất. Về phần mình, Bắc Triều Tiên hay Iran ít làm tôi lo sợ hơn sự nổi lên của một nhóm khủng bố hạt nhân. Henry Kissinger, George Schultz và nhiều nhân vật thời chiến tranh lạnh khuyên nên giải giáp vũ khí. Những nhân vật trên đưa ra kết luận như vậy không phải dựa vào chủ nghĩa duy tâm mà là chủ nghĩa hiện thực.

IAEA cũng có những chỉ trích. Các báo cáo chính thức của IAEA đôi khi không hoàn hảo và dẫn giải những việc quan trọng vào phần phụ lục, không có giá trị hợp lệ?

Pháp tỏ ra rất lo ngại về vấn đề này. Về nguyên tắc, nhiệm kỳ của chúng tôi bao gồm làm rõ có hay không các thiết bị hạt nhân. Từ một vài năm trở lại đây, chúng tôi cố gắng phát triển các cuộc thanh sát khác nhau nhằm đánh giá xem có hay không một nước tìm cách phát triển một vũ khí hạt nhân. Nhưng các phương tiện thanh sát của chúng tôi thường xuyên hạn chế, theo những thoả thuận giữa chúng tôi và nước đó.

Tại Iran, các thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được về việc vũ trang lại đến từ những nước phương Tây: Pháp, Mỹ, Đức… Chúng tôi tập hợp nhiều thông tin và điều này thì rất tốt. Nhưng chúng tôi cũng là nạn nhân của các thông tin sai lệch. Vì vậy, tôi phải cảnh giác để không bị sử dụng vào các mục đích chính trị. Chúng tôi chỉ nắm những bản báo cáo chính thức hơn là những hoạt động được thực hiện. Tôi không quên sự hiện diện của ông Colin Powell, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, 2 giờ trước Hội đồng bảo an. Dường như mọi điều đều sai lệch! Điều cốt lõi của vấn đề, đó không phải là thông tin mà là sự xác thực của thông tin. Do không dàn xếp được, các cơ quan tình báo phương Tây đã không nhất trí với nhau.

Từ khi lên nắm quyền cách đây 12 năm, IAEA đã phát triển. Ngài cũng vậy, có phải không?

Vâng, đúng vậy. Những lời dối trá dẫn đến cuộc xâm lược Irak năm 2003 đã làm tôi đau ốm. Không cần phải nói các bạn cũng biết giai đoạn này tôi đã không làm được gì để tăng cường độ tin cậy của các chính phủ. Vụ việc trên đã làm tôi nghi ngờ các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngài sẽ làm gì sau khi rời khỏi IAEA?

Cách đây 2 năm, tôi đã mua một ngôi nhà tại Vùng Gers, Pháp và tôi dự định sẽ làm vườn.

  • Thái Hà theo báo L`EXPRESS.fr  (Bài dịch) 

Tiểu sử ông Mohamed ElBaradei

Sinh ngày 17/6/1942 tại Cai-rô (Ai Cập). Năm 1962 tốt nghiệp ngành luật Đại học Cai-rô; sau đó học luật tại Giơnevơ (Thuỵ Sỹ) và tại New York (Mỹ).

1984-1993 là cố vấn pháp lý tại AIEA.

Ngày 01/12/1997 được bầu làm Tổng giám đốc.

2002-2003 xảy ra cuộc khủng hoảng Irak: IAEA phản đối chính quyền Bush. Tiếp đó, sau cuộc xâm lược Irak, không một vũ khí huỷ diệt nào được tìm thấy.

2005 IAEA và Tổng giám đốc ElBaradei nhận giải Nobel Hoà bình.

2009 nhiệm kỳ 2 của ông kết thúc ngày 30/11 trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran diễn ra căng thẳng.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất