Ngày 18/4, Phòng Truyền thông Chiến lược (ESCAP) của Liên Hợp
Quốc đã công bố Điều tra tình hình kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình
Dương. Đây là báo cáo quan trọng hàng đầu của ESCAP với lời kêu gọi “Thay đổi mô
hình chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho tăng trưởng mang tính bền vững và
hòa đồng.”
Tại buổi công bố Báo cáo, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra
những đánh giá về triển vọng kinh tế và những giải pháp mà Việt Nam phải đối mặt
trong thời gian tới.
Điểm sáng xuất khẩu
Báo cáo
cho rằng, bức tranh 2013 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ rất mờ nhạt sau
những suy giảm nghiêm trọng vào năm ngoái do các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài
và cho biết thêm những nỗ lực kích cầu của các chính phủ phải đi đôi với việc
điều chỉnh định hướng kinh tế vĩ mô để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững
phục vụ cho phạm vi đối tượng thụ hưởng rộng rãi.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang,
Phó trưởng Ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế
Trung ương cũng chỉ ra, trong bối cảnh bị tác động từ khủng hoảng kinh tế thế
giới, Việt Nam cũng đã thực hiện các gói kích thích kinh tế với các phạm vi và
mức độ khác nhau, do đó cũng xuất hiện tình trạng lạm phát cao trong các năm
2008, 2011. Sau đó, Chính phủ đã phải sử dụng các giải pháp mạnh tay, quyết tâm
kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Sang, từ cuối năm 2012 và quý
1/2013, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Lãi suất huy động
bắt đầu giảm, tín dụng ngân hàng tăng từ tháng Hai (đặc biệt là tại Thành phố Hồ
Chí Minh). Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng
tăng mạnh trong quý I/2013, thể hiện lòng tin của nhà đầu từ nước ngoài đối với
thị trường kinh doanh ở Việt Nam không giảm.
“Một điểm nhấn là đơn đặt
hàng xuất khẩu cũng tăng nhiều lên trong quý I/2013. Một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ
sản xuất,” ông Sang nói.
Báo cáo ESCAP cũng dự báo, các nền kinh tế dựa
vào xuất khẩu là chính ở Đông Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ tình
hình thương mại toàn cầu đã được cải thiện, mặc dù chưa sôi động, trong đó Việt
Nam hy vọng sẽ khởi sắc và đạt mức tăng trưởng 5,5% vào 6 tháng cuối năm 2013.
Hướng về nội địa
Theo Tiến sĩ Noeleen Heyzer,
hàm Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Điều hành của ESCAP: “Trong bối cảnh
bất an ninh kinh tế ở mức độ cao trong khu vực, còn tồn tại những khoảng trống
lớn về phát triển và cơ sở hạ tầng, môi trường ngày càng trở nên mỏng manh và dễ
bị tổn thương hơn kèm theo mức độ phơi nhiễm nghiêm trọng với các rủi ro liên
quan tới biến đổi khí hậu, cần phải đảm bảo cân bằng tốt hơn giữa vai trò ổn
định và vai trò phát triển của các chính sách kinh tế vĩ mô”.
Báo cáo
cảnh báo rằng: “Nếu xu thế kinh tế vẫn tiếp diễn như hiện nay thì hiện tượng tốc
độ tăng trưởng giảm mạnh so với những năm gần đây có thể trở thành chuyện thường
tình ở nhiều nền kinh tế trong khu vực” và điều này có thể gây thiệt hại về kinh
tế ước tính khoảng 130 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Các vấn đề về cấu trúc
mang tính dài hạn như bất bình đẳng gia tăng hay thiếu hụt năng lượng và cơ sở
hạ tầng càng làm cho tình trạng suy giảm kinh tế trong khu vực trở nên tồi tệ
hơn và Báo cáo cho rằng giải pháp về cấu trúc để tăng cường các động lực tăng
trưởng nội địa... chính là làm cho quá trình phát triển trở nên bền vững và hòa
đồng hơn.
Tiến sĩ Noeleen Heyzer nhấn mạnh: “Hiện tượng tốc độ tăng
trưởng suy giảm trở thành 'chuyện thường tình' càng cho thấy sự cần thiết phải
làm cho quá trình phát triển mang tính bền vững và hòa đồng. Báo cáo 2013 nhắc
nhở chúng ta rằng không có thời gian để ung dung tự mãn trong khi việc xây dựng
một mô hình phát triển kinh tế, xã hội bền vững và hòa đồng hơn vẫn còn là một
nhu cầu quan trọng”.
Liên hệ tới Việt Nam, ông Sang cho rằng, Việt Nam
đang đi đúng hướng, thương hiệu Việt đang dần chiếm vị thế đồng thời hàng sản xuất trong nước so với
hàng nhập khẩu giá rẻ đã bắt đầu tăng vị thế ở cả thành thị và nông thôn. Nền
kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5% phù hợp với mục tiêu mà Quốc
hội đã thông qua. Mặc dù, lạm phát dự báo có cao hơn so với mức mục tiêu là
6-6,5% (không tính đến thời tiết và khả năng điều chỉnh giá), song bên cạch đó,
các rủi ro khác cũng đang dần được kiềm chế và cải thiện.
Ông Sang đưa ra
kiến nghị ngay trong quý II/2013, nhà nước cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn
vốn đã được phân bổ, tăng cường phát hành trái phiếu đối với các dự án hạ tầng
trọng điểm, các dự án mang tính lan tỏa cao…
Về dài hạn, Chính phủ cần
tiếp tục tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng cân đối hơn thông qua lành
mạnh hóa thị trường tín dụng và nâng cao vai trò thị trường chứng khoán trong
huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn
thiện các thể chế, thông lệ tốt trong hỗ trợ phát triển công nghệ, tăng liên kết
doanh nghiệp, nâng cao cạnh tranh,” ông Sang cho biết../.
Linh Chi
(Vietnam+)