Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/6 đã nhất trí vào tháng 11 tới sẽ quyết định vị trí mới để chuyển các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực ngân hàng và dược phẩm hiện nay có trụ sở tại London (Anh) sau khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.
Sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Donald Tusk cho biết 27 nước thành viên EU sẽ quyết định bằng cách bỏ
phiếu vào tháng 11 tới về việc chuyển các cơ quan EU hiện nay tại Anh.
Theo ông Tusk, các thành viên cũng xác nhận sự đoàn kết của EU và cam
kết giảm thiểu sự bất ổn do Brexit.
Tương lai hậu Brexit của Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) và Cơ quan dược
phẩm châu Âu (EMA) là vấn đề quan trọng đối với EU vì 2 cơ quan này
đóng vai trò điều tiết chủ chốt của khối. Đến nay, các thành phố ứng cử
để đặt trụ sở EMA gồm Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Lille
(Pháp), Stockholm (Thụy Điển) và Barcelona (Tây Ban Nha). Trong khi đó,
các thành phố Frankfurt (Đức), Luxembourg (Luxembourg), Paris (Pháp) và
Praha (Cộng hòa Séc) đang cạnh tranh để làm nơi đặt trụ sở của EBA. Các
thành phố Vienna (Áo), Dublin (Ireland) và Vacsava (Ba Lan) lại muốn là
nơi đặt trụ sở của cả hai cơ quan này.
Theo ông Tusk, trước hết các thành phố có nguyện vọng phải chính thức
nộp đơn ứng cử vào ngày 31/7 tới. Tháng 9, Hội đồng châu Âu sẽ xét duyệt
dựa trên các tiêu chí như khả năng tiếp cận cho các nhân viên hiện tại
của các cơ quan trên cũng như cơ hội việc làm và học tập cho người thân
đi cùng họ. EC cũng sẽ xem xét liệu quốc gia được chọn từng là nơi đặt
trụ sở của nhiều cơ quan EU khác hay chưa nhằm tránh tập trung toàn bộ
cơ quan EU tại nước đó. Tháng 10, các nước thành viên EU sẽ tổ chức cuộc
thảo luận chính trị về những đề xuất trên, sau đó tiến hành bỏ phiếu
kín vào tháng 11 tới.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, hãng tin Bloomberg cho biết
ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản đã quyết định lựa chọn Frankfurt
làm trụ sở tại EU sau Brexit. Nomura trở thành ngân hàng mới nhất thông
báo chuyển trụ sở tới Frankfurt sau khi hai ngân hàng Goldman Sachs và
UBS cũng có động thái tương tự.
Ngân hàng có trụ sở Tokyo này cho biết sẽ xin giấy phép để chuyển hoạt
động sang trụ sở mới và bắt đầu tìm kiếm địa điểm văn phòng phù hợp tại
Frankfurt trong tháng này. Sau đó, Nomura sẽ chính thức điều chuyển gần
100 nhân viên từ London tới thành phố trên của Đức. Con số này khá khiêm
tốn, song góp phần nâng tổng số nhân viên được xác nhận điều chuyển đến
các trụ sở tại Frankfurt lên tổng cộng 2.600 người kể từ khi nước Anh
quyết định rời EU hồi tháng 6/2016. Ngoài ra, ngân hàng Daiwa của Nhật
Bản, đối thủ cạnh tranh của Nomura, cũng có kế hoạch mở một chi nhánh
tại trung tâm tài chính của Đức.
Theo số liệu của Bloomberg, Frankfurt hiện dẫn trước Paris (1.000) và
Dublin (150) về số nhân viên được điều chuyển từ London, trong khi các
ngân hàng có ý định chuyển trụ sở khỏi London vẫn chưa xác nhận địa điểm
làm việc mới cho khoảng 9.000 nhân viên của mình.
Xu hướng trên khẳng định quan điểm của Chính phủ Đức khi cho rằng Brexit
mang đến cơ hội đáng kể nhằm thúc đẩy lĩnh vực tài chính trong nước
cũng như thu hút nhiều việc làm lương cao. Trong báo cáo hàng tháng được
công bố mới đây, Bộ Tài chính Đức cho biết trong khi mối quan hệ tương
lai giữa Anh và EU chưa rõ ràng và việc London tiếp cận thị trường chung
EU chưa được bảo đảm, nhiều công ty trong lĩnh vực dịch vụ tài chính
đang "bối rối" trong vấn đề di chuyển trụ sở. Báo cáo này nhận định Đức
là “vị trí ổn định và hấp dẫn”, đồng thời nhấn mạnh những lợi thế của
Frankfurt là một trung tâm tài chính hàng đầu của châu Âu và cũng vốn là
nơi tọa lạc của một số cơ quan điều phối then chốt của châu lục về tài
chính như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)./.
(TTXVN)