Ngày 13/11, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) đã có buổi thảo luận chung về triển khai Chiến lược toàn diện của EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đồng thời cũng thông qua kết luận trong khuôn khổ chiến lược này.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, kết luận của Hội đồng đối ngoại nêu bật các tiến bộ đáng kể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Hội đồng đối ngoại với sự có mặt của các Bộ trưởng cũng đã nhất trí về Quỹ bảo vệ châu Âu nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cho phép các nền kinh tế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng EU.
Một hành động chuẩn bị cho nghiên cứu quốc phòng cũng đang được tiến hành và các nhà lập pháp châu Âu hiện đang đàm phán một đề xuất của Ủy ban để thành lập một quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Hội đồng đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy cơ chế đánh giá phối hợp hàng năm về phòng vệ (CARD), trong đó hướng tới mục tiêu thiết lập một quy trình để có được một tầm nhìn tổng quan hơn về kế hoạch chi tiêu quốc phòng.
Cơ chế đánh giá sẽ giúp giải quyết tốt hơn các thiếu hụt về năng lực của châu Âu, tăng cường hợp tác quốc phòng và đảm bảo sử dụng tối ưu và sự liên kết của kế hoạch chi tiêu quốc phòng.
Một điểm đáng chú ý trong cuộc họp lần này là việc đạt được Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO). PESCO đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí.
Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận trên là "một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu."
PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng," dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU.
Các nước tham gia PESCO sẽ phải tiến hành đánh giá hàng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.
Hội đồng đối ngoại cũng đưa ra các kết luận nhấn mạnh đến những hoạt động khác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng của EU, bao gồm cải thiện tính cơ động quân sự, ưu tiên quản lý khủng hoảng dân sự, đáp ứng các nhiệm vụ dân sự, nhận thức tình huống, tài trợ chung cho các nhiệm vụ và hoạt động của Chính sách an ninh và quốc phòng chung, nhất là bảo vệ an ninh mạng và tăng cường năng lực để hỗ trợ an ninh và phát triển.
Cách đây một năm, ngày 14/11/2016, Hội đồng đã thông qua các kết luận về triển khai Chiến lược toàn diện châu Âu trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Những kết luận này đưa ra với những mục tiêu chính mà EU và các nước thành viên sẽ nhắm đến trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, đó là ứng phó với các xung đột và khủng hoảng bên ngoài, xây dựng năng lực của các đối tác, bảo vệ EU và công dân của mình.
An ninh và quốc phòng là một trong những lĩnh vực ưu tiên cho công tác triển khai Chiến lược toàn cầu của EU, bao gồm xây dựng khả năng phục hồi và cách tiếp cận tổng hợp đối với xung đột và khủng hoảng, tăng cường mối liên kết giữa chính sách nội bộ và đối ngoại, cập nhật các chiến lược chuyên đề và tăng cường các nỗ lực ngoại giao./.
(TTXVN)