Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 8/7/2010 16:23'(GMT+7)

EU - đối tác chiến lược của Việt Nam

Ông Sean Doyle (giữa) tại buổi giới thiệu Sách Xanh 2010

Ông Sean Doyle (giữa) tại buổi giới thiệu Sách Xanh 2010

Sách Xanh 2010 đã mô tả cách thức Việt Nam đạt được thành công khi vượt qua khủng hoảng kinh tế. Ông Sean Doyle, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế và sụt giảm thương mại trên thế giới, tăng trưởng GDP ở Việt Nam vẫn được duy trì và hoạt động xuất khẩu vẫn đạt mức cao hơn mức trung bình trong khu vực do Chính phủ đã có những biện pháp, chính sách kinh tế mạnh dạn”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế được bộc lộ trong khủng hoảng và sự cần thiết cho việc tái cơ cấu một cách nhanh chóng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Thâm hụt ngân sách quốc gia, sự quay trở lại của lạm phát và thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng là những thách thức mà Việt Nam đã phải đối mặt trong năm 2009 và còn phải tiếp tục giải quyết trong năm 2010.

Theo “Sách Xanh 2010”, giá của hàng hoá thế giới giảm đã góp phần vào thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2009 là 12,2 tỉ USD. Sách Xanh khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam thay vì tập trung vào giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng thì cần đầu tư nhiều hơn trong việc hỗ trợ thiết lập những chuỗi cung cấp tại địa phương cho các ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

So với các đối tác khác (như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…), quan hệ thương mại Việt Nam-EU chỉ chịu ảnh hưởng ở mức trung bình do khủng hoảng kinh tế gây ra. EU vẫn là thị trường lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) đối với các sản phẩm của Việt Nam, tiêu thụ khoảng 20,4% các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam năm 2009. Điều này khẳng định sự vững mạnh trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam.

EU tiếp tục là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của mặt hàng giày da và thuỷ sản Việt Nam, với giá trị nhập khẩu giày da đạt 1,9 tỷ USD và thuỷ sản đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2009.

Bên cạnh đó, EU cũng tiếp tục trở thành nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD năm 2009 (giảm 3,1% so với năm 2008).

Quan hệ thương mại với EU đã góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam, bởi trên thực tế, thâm hụt thương mại của Việt Nam chủ yếu là do cán cân thương mại bất cân bằng với Trung Quốc (trong tổng số 12,2 tỷ USD thâm hụt thương mại năm 2009 thì có đến 11,3 tỷ USD là do thâm hụt với Trung Quốc). Việt Nam tiếp tục hướng thặng dư thương mại trị giá 3,77 tỷ euro trong quan hệ thương mại 2 chiều với EU.

Sách Xanh nhấn mạnh, việc thiếu chuỗi cung cấp nội địa (việc này buộc Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn máy móc và nguyên liệu thô- khoảng 90% tổng số hàng nhập khẩu) vẫn còn là một thách thức chính để kiềm chế thâm hụt thương mại và các vấn đề liên quan như khan hiếm dự trữ ngoại tệ, thâm hụt ngân sách và dao động tỷ giá…

Ông Sean Doyle khẳng định: “EU tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng mang tính chiến lược của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam, bất chấp tình hình kinh tế bất lợi bên ngoài”./.

Lại Thìn - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất