Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 4/7/2010 20:39'(GMT+7)

Hội chợ, triển lãm tại Việt Nam:Những chuyện cười ra nước mắt

 

Số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực tổ chức HCTL cũng có hàng trăm, nhưng những doanh nghiệp tổ chức được những triển lãm lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay - một con số quá ít ỏi với một đất nước đặt mục tiêu xúc tiến thương mại (XTTM) lên hàng đầu. Từ đây có khá nhiều câu chuyện cười ra nước mắt...

Tự bươn chải, tự đào thải

Theo một người có thâm niên làm việc lâu năm trong ngành HCTL, HCTL trở thành một cái nghề từ những năm 1990 và phát triển đỉnh điểm vào năm 2005 và hiện đã đi vào thế ổn định và đang tự sàng lọc.

Triển lãm gắn với thị trường, gắn với XTTM, gắn với hoạt động xuất nhập khẩu và dự báo thị trường, vì vậy là một nghề cần và phát triển. Theo Cục XTTM (Bộ Công Thương), riêng năm 2009, các hợp đồng ký kết tại các HCTL thuộc chương trình XTTM quốc gia ở trong và ngoài nước đã đạt gần 2 tỉ USD. Đáng buồn là cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan quản lý về lĩnh vực này, dẫn tới doanh nghiệp phát triển tự phát, tự sống và tự đào thải bằng thị trường, không hề được sự hỗ trợ  từ cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện hoạt động XTTM bằng hình thức triển lãm đã giảm nhiều so với trước đây vì không hiệu quả. Các nhà tổ chức HCTL phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, thiếu đào tạo, thiếu tính cạnh tranh so với các nhà tổ chức nước ngoài cả về quy mô, tính chất và uy tín.

Đơn cử như Reed Tradex (Thái Lan) mới vào VN 3 năm nay nhưng đã nhanh chóng xác lập được chỗ đứng  với những HCTL chuyên ngành, định kỳ, thường niên, luân phiên tại TPHCM.  Công ty dịch vụ triển lãm ADSALE (Hồng Kông) vào VN từ đầu những năm 1990 và đến nay được biết đến như một nhà tổ chức HCTL chuyên ngành về bưu chính viễn thông lớn nhất tại VN. Một ví dụ khác là Công ty tổ chức HCTL Hannover (Đức) với hội chợ về thiết bị máy móc xây dựng tại TPHCM...

Các công ty HCTL Việt Nam thiếu chất kết dính, nhỏ lẻ, manh mún, không liên doanh, liên kết và thiếu một cơ quan điều tiết. Đơn cử như một triển lãm về ôtô, phương tiện giao thông, thì có tới 3-4 công ty tranh giành nhau, công ty này tung tin nói xấu công ty kia khiến khách hàng hoang mang không biết tin ai. Vì thế, những triển lãm như vậy có làm được cũng không đúng tầm, trong khi nếu các công ty này liên kết với nhau thì việc đón đầu tổ chức hội chợ này thành hội chợ thường niên là trong tầm tay.

Hiện Luật Thương mại chưa cho phép các công ty, nhà tổ chức nước ngoài được phép kinh doanh, tổ chức HCTL tại VN. “Sẽ ra sao nếu họ quyền tổ chức, liệu lúc đó có còn “sân” cho doanh nghiệp VN nữa không?”, một doanh nhân hoạt động trong ngành này bức xúc hỏi. Ông này còn cho biết, hiện đã có khá nhiều công ty VN bán giấy phép tổ chức HCTL cho các công ty nước ngoài.

Cũng vì thiếu một bàn tay quản lý của Nhà nước, mạnh ai nấy làm nên mới có chuyện có lãnh đạo (cấp thứ trưởng) được mời đến cắt băng khánh thành một HCTL mới ngã ngửa ra khi biết quy mô của hội chợ có mấy chục gian hàng, trong khi có hội chợ có tới hàng trăm gian hàng thì lại không lãnh đạo nào đến (!). 

Doanh nghiệp VN: “Chim đậu không bắt, bắt chim bay”

Đây là nhận định chung của nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tổ chức HCTL. Đơn cử, một hội chợ thương mại lớn nhất VN, phục vụ thiết thực cho hoạt động xuất nhập khẩu của VN là Vietnam Expo được tổ chức định kỳ hàng năm, nhưng để vận động được các doanh nghiệp VN tham gia cũng rất khó khăn. Thậm chí có trường hợp thứ trưởng một bộ chức năng trực tiếp viết thư động viên nhưng doanh nghiệp vẫn từ chối.

Một cán bộ Công ty Quảng cáo và Hội chợ thương mại VN (VINEXAD) tâm sự, tổ chức một hội chợ mà toàn gian hàng của nước ngoài cũng thấy không vui vì sự xuất hiện của doanh nghiệp VN ở những hội chợ như thế này không chỉ để XTTM, mà lớn hơn còn là niềm tự hào dân tộc.

Giá thuê một gian hàng của bạn hàng nước ngoài là 2.250USD/gian, trong khi với các doanh nghiệp VN chỉ 10 triệu đồng/gian nhưng chả mấy doanh nghiệp mặn mà. Nhiều doanh nghiệp đã không ngại ngần liệt kê chi phí lên tới hàng chục ngàn USD trong báo cáo tài chính để đi nước ngoài (tiếng là để học hỏi, nhưng thực chất là đi du lịch, mua sắm), trong khi cái cần phải khẳng định giá trị ngay trên sân nhà, ngay tại một hội chợ quốc tế tại chỗ lại không làm.

Một nghịch lý rất thường xuyên xảy ra là có nhiều cơ quan, nhiều nhà lãnh đạo luôn có tư duy nhà tổ chức triển lãm phải cần mình, mà không hiểu là mình cũng cần họ, họ chính là người đi tiên phong để giới thiệu ngành hàng của mình ra thị trường. Một số lãnh đạo doanh nghiệp tham gia triển lãm như ban ơn.
 
Tham gia một triển lãm chuyên ngành quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài mang hàng tỉ đồng lặn lội sang VN, mất bao công phu, chi phí vận chuyển hàng hoá đi kèm nhưng khi đến nơi thì các ngành hữu quan của VN lại hết sức thờ ơ, thiếu quan tâm, tạo ấn tượng không tốt trong mắt bạn bè quốc tế. 

Một vấn đề khác, được đưa lên thành “vấn nạn” của các doanh nghiệp VN khi tham gia các hội chợ quốc tế, đó là ngoại ngữ. Có tới 2 gian hàng triển lãm trong hội chợ Vietnam Expo 2009, nhưng nhân viên bán hàng của Công ty M. hoàn toàn không biết tiếng Anh. Chính vì thế mới có chuyện khi khách nước ngoài đến thăm quan gian hàng, muốn tìm hiểu về chất lượng sản phẩm thì nhân viên không biết giới thiệu thế nào, còn khi khách xin địa chỉ công ty để đến tận nơi liên hệ thì nhân viên lắc đầu quầy quậy (!).

Ngủ quên trên thắng lợi?

Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) do người tiêu dùng bình chọn là một hội chợ như thế. Còn nhớ cách đây chục năm, mỗi lần Hội chợ HVNCLC được tổ chức tại Hà Nội, người tiêu dùng lại xôn xao, tìm đến hội chợ để sắm, từ chai nước mắm đến gói bánh, gói kẹo.

Chữ “V” trên logo của HVNCLC như là một sự khẳng định sự tin cậy cả về chất lượng và giá cả của người tiêu dùng với hàng hoá mà mình lựa chọn. Tiêu chí ban đầu của những nhà tổ chức hội chợ này cũng thật hay, với bao tâm huyết: Đưa hàng Việt tới tay người Việt. Nhưng giờ, nếu để ý một chút, sẽ dễ dàng thấy những hội chợ thế này không còn làm người thành phố để tâm nhiều. Hội chợ tôn vinh hàng VN chuyển dần về các vùng quê.

Khi người viết bài này đặt câu hỏi thẳng thắn với một lãnh đạo Bộ Công Thương, phải chăng hoạt động này đã bị thương mại hoá, hay năng lực của các doanh nghiệp VN đã được nâng cao nên việc được công nhận chữ “V” uy tín trở nên dễ dàng, lãnh đạo này từ chối trả lời thẳng vào câu hỏi. 

Tuy nhiên, theo ông, thời gian đầu các doanh nghiệp chú trọng thị trường nội địa là đúng, song khi đã làm tốt rồi, nên chăng các nhà tổ chức nên hỗ trợ doanh nghiệp đưa được logo thương hiệu HVNCLC ra nước ngoài, có vậy mới tạo ra sự đột biến, sau cả chục năm thành công của hội chợ này đã đi vào lối mòn.

Thế mới biết, đằng sau một HCTL có thật nhiều tâm tư của người trong cuộc. Bài viết này mới chỉ đề cập đến mảng hoạt động HCTL trong nước. Với hoạt động HCTL ở nước ngoài, với cả doanh nghiệp tổ chức và tham gia, khó khăn và vướng mắc còn nhiều hơn gấp bội. Bản thân các doanh nghiệp khi tham gia triển lãm phải mất cả năm trời để chuẩn bị. Ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh.

Nhiều khi tham gia triển lãm nhưng lại không có hàng để giới thiệu với khách vì hàng bị ách tại cảng (rượu Votka Việt Nam tại triển lãm ở Belarus – Nga do Vietfair tổ chức là một ví dụ), hoặc tại một triển lãm ở tây Begal (Ấn Độ), nhà tổ chức đã phải khóc vì không có hàng để trưng bày do mưa bão làm hỏng hết…

Tất cả cho thấy, hoạt động HCTL không chỉ là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà còn một kênh XTTM hiệu quả, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để hoạt động này thực sự làm đúng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Bên lề, đó là tâm sự của nhiều nhà tổ chức HCTL, sự tủi thân về sự đánh giá chưa đúng và chưa đủ về vai trò của họ trong hoạt động XTTM.

“Từ trước tới này, mới thấy vinh danh các doanh nghiệp xuất khẩu, làm ăn giỏi, đã có ai vinh danh doanh nghiệp làm tốt HCTL, dù chúng tôi gián tiếp cống hiến cho hoạt động XTTM rất nhiều”, một nhà tổ chức HCTL lớn của VN chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ngân - Tổng giám đốc Cty cổ phần Hội chợ triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair): Phải yêu nghề mới tạo được đột phá lớn

Các hoạt động HCTL hiện nay chủ yếu dựa vào Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và những nghị định đi kèm về hoạt động HCTL, nhưng còn thiếu những quy định liên quan đến những lĩnh vực HCTL cụ thể, dẫn đến lộn xộn, mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thế nào là một HCTL quốc tế? Để làm được, nhà tổ chức phải đáp ứng được những tiêu chí gì? Và khi không làm được thì chế tài xử lý thế nào?...

Hiện nay vì các quy định này không rõ ràng nên dẫn đến tình trạng “lẫn lộn con đen”, làm tốt, làm xấu cũng giống nhau. Tuy hiện nay đã có Hiệp hội tổ chức HCTL Thương mại và Hội nghị Việt Nam (VECA) với chức năng liên kết các doanh nghiệp nhưng lại chưa đủ mạnh để thực hiện mong muốn này. Trong khi nghề tổ chức HCTL là nghề dịch vụ không tốn nhiều vốn liếng nhưng gian truân. Phải yêu nghề mới tạo được bước đột phá lớn. 


Lao Động online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất