Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 2/9/2014 17:46'(GMT+7)

EU ra “tối hậu thư” với Nga

Nhóm lính dù Nga bị bắt giữ trước đó đã được U-crai-na trao trả tự do. (Ảnh: Ria Novosti)

Nhóm lính dù Nga bị bắt giữ trước đó đã được U-crai-na trao trả tự do. (Ảnh: Ria Novosti)

AP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) sau một cuộc họp ở Brúc-xen, Bỉ, cho biết 28 nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thực hiện các biện pháp trừng phạt mới nếu Mát-xcơ-va không chịu “lùi bước”. Ông Van Rôm-pơi đã yêu cầu ủy ban Châu Âu (EC) chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới trong vòng một tuần tới. “Các bước tiếp theo phụ thuộc vào diễn biến tình hình thực địa hiện nay mà theo tôi là đang xấu đi từng ngày. Mọi người đều ý thức được rằng, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước những mất mát to lớn về sinh mạng trong các ngày qua và nhiều khả năng trong cả những ngày sắp tới”, ông Van Rôm-pơi nói. Trong khi đó, Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) tuyên bố, nếu Nga tiếp tục làm leo thang cuộc khủng hoảng U-crai-na thì Mát-xcơ-va phải trả giá đắt, song ông cũng lưu ý rằng, EU sẽ không xem xét các giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng U-crai-na.

“Tối hậu thư” của EU được đưa ra sau khi Tổng thống U-crai-na, P. Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) kêu gọi các nhà lãnh đạo của khối đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn đối với Nga. “Tôi nghĩ chúng ta đang đến rất gần điểm không còn ngã rẽ, đó cũng chính là một cuộc chiến toàn diện mà thực chất đang xảy ra trên vùng lãnh thổ do lực lượng ủng hộ liên bang hóa kiểm soát. Nếu xảy ra một cuộc phản công của lực lượng này thì cuộc chiến này không thể đảo ngược”, ông P. Pô-rô-sen-cô cho biết.

Theo Thủ tướng Đức A. Méc-ken (Angela Merkel), các biện pháp trừng phạt mới sẽ tiếp tục nhắm vào ngành tài chính, năng lượng và vũ khí của Nga. Tuy nhiên, sự chia rẽ trong nội bộ EU đã thể hiện rõ rệt khi sau đó Thủ tướng Xlô-va-ki-a, R. Phi-cô (Robert Fico) tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga là “vô nghĩa và phản tác dụng”. Thủ tướng R. Phi-cô đe dọa sẽ bỏ phiếu bác bỏ bất kỳ biện pháp nào ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Xlô-va-ki-a.

Trên thực tế, để EU “mạnh tay” với Nga là điều không hề dễ dàng bởi các biện pháp trừng phạt Mát-xcơ-va của EU là “con dao hai lưỡi”. Mặc dù ra “tối hậu thư” nhưng thời gian áp đặt lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga vẫn chưa được xác định. Khi EU công bố các biện pháp trừng phạt Nga vào cuối tháng 7 vừa qua vì vấn đề U-crai-na, Mát-xcơ-va đã trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, trái cây, rau quả và các sản phẩm sữa từ EU. Điều đó khiến Thủ tướng Hung-ga-ri, V. Ô-ban (Viktor Orban) phải thừa nhận rằng, lệnh cấm vận gây thiệt hại cho phương Tây nhiều hơn là cho Nga, và EU đã “tự bắn vào chân mình”. Theo báo EU Observer, gói biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng với Nga thời gian qua có thể khiến Mát-xcơ-va thiệt hại khoảng 100 tỷ ơ-rô trong năm nay và năm tới, song cũng có thể gây tổn thất tương tự cho EU. Báo trên đánh giá kinh tế Nga sẽ tổn thất 23 tỷ ơ-rô trong năm 2014 và 75 tỷ ơ-rô năm 2015 vì các biện pháp trừng phạt của EU. Trong khi đó, theo EC, các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ ơ-rô trong 2 năm này do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.

Cùng ngày, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) cho rằng, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na có thể chưa sớm kết thúc bởi nước này đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử Quốc hội. Theo Tổng thống V. Pu-tin, trong giai đoạn vận động tranh cử, mọi ứng cử viên đều muốn tỏ ra cứng rắn và sẽ khó có ai tuyên bố lập trường hòa bình. Ông nhấn mạnh, việc giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na phần lớn phụ thuộc vào ý muốn chính trị của giới lãnh đạo hiện nay của U-crai-na. Tổng thống Nga kêu gọi chính quyền U-crai-na nhanh chóng chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền Đông và khởi động đàm phán về giải pháp chính trị tại khu vực Đông Nam của U-crai-na để bảo đảm lợi ích hợp pháp của mọi người dân ở khu vực này.

Trong một diễn biến khác, Ria Novosti dẫn lời phó chỉ huy trưởng lực lượng lính dù Nga, Thiếu tướng A. Ra-gô-din (Alexei Ragozin) cho biết sau các cuộc đàm phán "khó khăn", hôm 31/8, U-crai-na đã trao trả một nhóm lính dù bị bắt giữ trước đó cho phía Nga, đổi lại Nga cũng giao lại cho U-crai-na 63 binh sĩ của nước này đã vượt biên sang Nga tuần trước đó./.

Hoàng Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất