Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 19/12/2015 22:9'(GMT+7)

EU thúc đẩy thành lập lực lượng bảo vệ biên giới mới

Các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/12. (Ảnh: AP)

Các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/12. (Ảnh: AP)

Thông báo đưa ra ngày 18/12 cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận kế hoạch thành lập cơ quan này, bao gồm một lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai trong trường hợp cần thiết mà không cần sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại. Dự kiến, lực lượng mới sẽ có 1.500 quân, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới. 

Theo giới chức EU, Hội đồng châu Âu cần thông qua lập trường về việc thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của châu Âu khi Hà Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2016. Nếu được nghị viện của các nước thành viên thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) và sẽ tiếp tục mở rộng quân số. Chi phí cho lực lượng mới sẽ lên tới 322 triệu ơ-rô (354 triệu USD) từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng hối thúc các nước thành viên nhanh chóng giải ngân khoản tiền hỗ trợ đã cam kết trị giá 3,25 tỷ USD giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với dòng người tị nạn.

Giới chức EU muốn nhanh chóng triển khai kế hoạch trên sau khi thừa nhận rằng quá chậm trong việc tiến hành một chiến lược chung để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Với 1 triệu người, chủ yếu là người di cư và tị nạn Xy-ri đã đến châu Âu trong năm nay, việc kiểm soát biên giới thiếu hiệu quả đã đe dọa sự toàn vẹn Khu vực tự do đi lại (Schengen), sau khi các quốc gia thành viên tái kiểm soát đường biên giới nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn.

Thủ tướng Bỉ Sác-lơ Mi-sen (Charles Michel) đã hoan nghênh đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thành lập một lực lượng biên phòng châu Âu và nhấn mạnh điều này là hoàn toàn đúng hướng. Ông nhấn mạnh, kế hoạch kiểm soát biên giới bên ngoài châu Âu cần phải triển khai trên thực tế chứ không phải chỉ là quyết định trên giấy.

Tuy nhiên, kế hoạch trên có khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các nước thành viên EU. Theo Ngoại trưởng Luých-xăm-bua Giăng Át-xê-bon (Jean Asselborn), khu vực tự do đi lại Schengen chỉ có thể tồn tại khi đường biên giới ngoài của khối này được bảo vệ. Còn Bộ trưởng Nội vụ I-ta-li-a An-giê-li-nô An-pha-nô (Angelino Alfano) khẳng định, lưu thông trong biên giới EU “không những phải tự do, mà còn phải an toàn”.

Trong khi đó, một số thành viên trong khối liên minh gồm 28 nước này đang phản đối việc thay thế Frontex, khi cho rằng, kế hoạch trên sẽ khiến họ phải nhường lại quyền về chủ quyền lãnh thổ đối với các biên giới biển và đất liền của mình cho các nhà quản lý ở Brúc-xen. Những nước này lo ngại rằng, nếu các biện pháp kiểm soát biên giới này được thực hiện lâu dài, khu vực Schengen sẽ sụp đổ. Một số nước khác như Hy Lạp đã phát tín hiệu ngần ngại về chính sách phòng thủ rộng khắp EU.

Liên quan tới việc phân chia hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn, Thủ tướng Áo Vê-nơ Phây-man (Werner Faymann) cảnh báo sẽ cắt giảm mức đóng góp của nước này cho ngân sách EU. Nhà lãnh đạo Áo cũng nêu rõ tinh thần đoàn kết không phải là "con đường một chiều", ám chỉ việc các nước Trung Âu và Đông Âu cho tới nay vẫn từ chối tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp và Italy. Ông cũng cho rằng, có thể phải tính toán lại mức đóng góp của các nước cho ngân sách EU trong năm tới.

Theo Thủ tướng Áo, nếu các nước Đông Âu tiếp tục từ chối tiếp nhận người tị nạn, các nước đó có thể bị cắt giảm nguồn ngân sách từ EU trong năm tới. Chủ tịch đoàn nghị sĩ Đảng Cánh tả trong Quốc hội Đức Đi-ét-ma Bát-xơ (Dietmar Bartsch) cũng coi việc một số nước châu Âu từ chối tiếp nhận người tị nạn là điều "không thể chấp nhận", đồng thời đe dọa có thể cắt giảm nguồn ngân sách của EU cho các nước này./.

Bình Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất