Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất, mang tính toàn cầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả nhân loại. Theo đó, đối phó – chống biến đổi khí hậu cũng đang là trách nhiệm, nghĩa vụ hàng đầu đối với mọi Quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu (quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011) và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh (quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021), cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác nhằm thể hiện sự quyết tâm chung tay cùng thế giới chống lại biến đổi khí hậu. Trong đó, việc đề ra mục tiêu tăng trưởng xanh là vấn đề hết sức cấp thiết. Trong tổng thể các hoạt động chống biến đổi khí hậu, có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh nhằm tạo lập những công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững.
Theo Hội đồng công trình xanh thế giới (World Green Building Council -WGBC) định nghĩa: Công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên cở sở đó WGBC đã đưa ra một loạt tiêu chí tạo nên ngôi nhà xanh gồm: sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác; sử dụng năng lượng thay thế (VD: năng lượng mặt trời);....
Hiện nay, tại Việt Nam có 3 tiêu chuẩn phổ biến để đánh giá chất lượng và mức độ xanh của một công trình khu dân cư, đó là: tiêu chuẩn LOTUS của Việt Nam, LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) của hội đồng công trình xanh Mỹ và tiêu chuẩn EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của tổ chức IFC (International Finance Corporation) thuộc Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác như GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), HQE (Pháp), Green Mark (Singapore)... cũng được dùng để đáng giá công trình xây dựng xanh.
Một trong các tiêu chí quan trọng để đạt được chứng chỉ công trình xanh là việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối,…).
Từ những yếu tố trên, EVNHCMC cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công trình xanh và đã triển khai áp dụng cho các trụ sở làm việc của các đơn vị như lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà (NLMTMN) các trụ sở làm việc của các đơn vị (23 đơn vị), các nhà điều hành của các trạm biến áp 110-220kV (57 trạm) từ đầu năm 2018 với tổng công suất lắp đặt 5.233 kWp. Điển hình tại trụ sở làm việc của Công ty CNTT đã lắp đặt hệ thống NLMT với tổng công suất 135kWp (đạt >20% tổng công suất điện sử dụng theo thiết kế). Việc phát triển hệ thống NLMTMN được triển khai từ giai đoạn thiết kế các dự án xây dựng trạm biến áp 110-220kV và là yêu cầu bắt buộc trong EVNHCMC (trạm 110 kV công suất đặt khoảng 20-24kWp; trạm 220kV công suất đặt khoảng 40-50kWp). Sản lượng điện phát ra từ hệ thống NLMT được sử dụng cho tự dùng tại trụ sở làm việc của đơn vị hoặc nhà điều hành các trạm biến áp hoặc phát bổ sung lên hệ thống (khi không dùng hết), góp phần giảm chi phí trong SXKD của các đơn vị (điển hình hệ thống NLMT do Công ty lưới điện cao thế TP.HCM quản lý, trong 05 tháng đầu năm 2022 có sản lượng điện phát ra 765,7kWh, trong đó phát lên lưới là 235,2kWh (chiếm 30,7%)).
Ngoài ra, tại trụ sở làm việc của Công ty CNTT từ giai đoạn thiết kế đã định hướng để đạt các tiêu chuẩn tòa nhà xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế LEED cấp độ Vàng/Gold (theo thiết kế đạt 75/110 điểm, trong đó phần sử dụng năng lượng tái tạo đạt 3 điểm (điểm tối đa do sử dụng NLTT đạt 10%); theo tiêu chuẩn LEED số điểm để đạt cấp độ Vàng/Gold là 60-79 điểm). Hiện nay, Công ty CNTT đang thực hiện tập hợp các hồ sơ, các thủ tục để xin cấp chứng chỉ xanh cấp độ Advance (mức tiết kiệm năng lượng tại chỗ từ 40% trở lên) theo tiêu chuẩn EDGE – do Tổ chức IFC của Ngân hàng thế giới (WB) cấp, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2022.
NGỌC THUẬN