Thứ Hai, 9/12/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Sáu, 8/7/2022 7:5'(GMT+7)

Kết quả thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54 và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54 và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 7/7, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X dự kỳ họp thứ 6 đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54) và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng Nhân dân thành phố về triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo trước kỳ họp về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Nghị quyết 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể, trong đó, nội dung đầu tiên được thành phố triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù chưa thể đạt mức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc nhưng chính sách này ra đời phù hợp với năng suất thực tế của người lao động thành phố đạt gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, từ đó đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.

Thành phố cũng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.900 tỷ đồng; thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên.

Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương…

Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của thành phố đều chưa tận dụng được, như là nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hay chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn.

Ngoài ra, công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học vẫn còn nhiều hạn chế; các dự án nhóm A dù đã được thông qua đều chậm tiến độ…

Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định thực tế hiện nay cho thấy rất cần Quốc hội ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực phát triển trong thời gian tới.

Qua thảo luận, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng Nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương, tập trung lãnh đạo tổ chức quán triệt và ban hành đầy đủ văn bản triển khai Nghị quyết số 54, xây dựng kế hoạch thực hiện với các nội dung, đề án cụ thể.

Đồng thời, chính quyền thành phố cũng quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, qua đó tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân thành phố; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tích cực trong việc tổ chức lấy ý kiến phản biện các đề án, góp ý bổ sung cụ thể, thiết thực phù hợp với đặc thù của thành phố.

Từ đó, các chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết số 54 đã được nhanh chóng triển khai, từng bước phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 cho thấy tiến độ thực hiện Nghị quyết số 54, Nghị quyết số 25 còn chậm so với kế hoạch dự kiến; cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi.

Còn tồn tại một số hạn chế như chưa xây dựng Đề án thực hiện sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; cơ chế tài chính đặc thù chưa phát huy hiệu quả như mong đợi và nhiều vấn đề cần được quan tâm, tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự chủ động, khẩn trương để có thể tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54.

Hội đồng Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung thực hiện một số nội dung như đánh giá toàn diện về việc thực hiện Nghị quyết số 54, nhất là những nội dung còn hạn chế, chưa thực hiện được, kể cả những nội dung chưa thực hiện đầy đủ.

Đối với từng lĩnh vực cần phải được phân tích kỹ, chi tiết mặt được, chưa được, nội dung nào cần điều chỉnh, nội dung nào cần thiết tiếp tục áp dụng, nội dung nào không cần thiết, kể cả tiếp tục thực hiện thì nêu rõ quy định pháp luật cần điều chỉnh.

Đồng thời, cần có sự chuẩn bị phương án, giải pháp, lộ trình cụ thể và nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới khi thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố phù hợp với vai trò của thành phố; trong đó kế thừa những nội dung của Nghị quyết số 54 và bổ sung thêm một số nội dung mới nhằm tránh tình trạng khó khăn như khi triển khai cơ chế theo Nghị quyết số 54.

Ket qua thuc hien thi diem co che, chinh sach dac thu o TP.HCM hinh anh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, thành phố cần nghiên cứu đầy đủ các quy định khác nhau giữa nghị quyết đặc thù của thành phố với luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề được quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 54, cũng như công tác phối hợp với bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết để đạt được kết quả tốt nhất.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố cần rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10ha, xem xét tính khả thi, tính cần thiết tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình Hội đồng Nhân dân thành phố hủy bỏ danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013; quan tâm và giải quyết những kiến nghị đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhóm A.

Thành phố rà soát việc quản lý, trích lập, sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 54 và thực hiện việc thu hồi tạm ứng vốn ngân sách thành phố theo quy định.

Cũng trong chiều 7/7, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

Xuân Khu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất