(TG) - Festival áo bà ba là điểm hẹn khởi đầu để mọi người có cái nhìn khác hơn về Hậu Giang, biết đến Hậu Giang nhiều hơn, từ đó cùng kết nối cho sự phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Đó là sự kỳ vọng của đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi phát biểu tại chương trình khai mạc Festival áo bà ba Hậu Giang với chủ đề “Nụ cười Hậu Giang” diễn ra vào chiều muộn ngày 29/9, tại khu văn hóa Hồ Sen, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Lễ khai mạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và bạn bè quốc tế với màn trình diễn những chiếc áo bà ba dệt và may từ sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng trên vùng đất phèn ở Hậu Giang) kết hợp tơ tằm do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Nha Xá (tỉnh Hà Ham).
Bối cảnh được thiết kế đậm chất miền Tây với mái tranh, vách lá, bến nước, cầu ao, những chiếc xuồng ba lá và hơn 500 diễn viên chuyên, không chuyên đã mang đến cho khán giả trong và ngoài nước màn trình diễn độc đáo với hình ảnh chiếc áo bà ba thuần hậu, mộc mạc, dung dị, chân quê qua bộ sưu tập khóm, lúa, cá thát lát, bộ sưu tập trầu gắn với làng trầu Vị Thủy có lịch sử hàng trăm năm, bộ sưu tập đan lục bình gắn với các làng nghề ở các miền quyên thanh bình, yên ả của tỉnh, bộ sưu tập hoa sen, bộ sưu tập khăn rằn, bộ sưu tập đám cưới…
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: khi nhắc đến chiếc Áo Bà Ba, mọi người ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất Nam bộ. Chiếc áo đã gắn liền với các bậc tiền nhân từ thuở mang gươm đi mở cõi, khai phá vùng đất phương Nam, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù trong chiến tranh gian khó, cho đến giai đoạn xây dựng và phát triển hiện đại, chiếc áo đã đặc biệt gắn liền với các bà, các mẹ, các chị từ trong chiến trận, ra đến công trường, đi vào công sở và xã hội hiện đại ngày nay.
Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, chiếc áo bà ba luôn ghi dấu ấn đậm nét đời sống con người vùng đất Nam Bộ, đây là sản phẩm văn hóa truyền thống rất đặc sắc, rất độc đáo, rất riêng không nơi nào có được.
Với mong muốn giới thiệu về vùng đất và con người Hậu Giang, Festival áo bà ba là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 - 01/01/2024) với chủ đề “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”.
"Hậu Giang có Áo bà ba - biểu tượng giá trị truyền thống quý báu và văn hóa đặc sắc của vùng sông nước miền Tây. Người Hậu Giang đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động và luôn có khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh," - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Festival áo bà ba diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 01/10/2023 với nhiều hoạt động như chế biến các món ăn từ khóm Cầu Đúc, cá thát lát với tên gọi Hương Vị Thanh; cuộc thi vẽ tranh bằng công nghệ AI dành cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở chủ đề Hậu Giang của em; giao lưu văn hóa “Áo bà ba xưa và nay - những cung bậc cảm xúc”; giao lưu chế biến các món ăn từ cá thát lát và lươn của đầu bếp Nhật Bản; triển lãm tranh với chủ đề chiếc áo bà ba xưa và nay; trình diễn áo bà ba trên sông…
Đây là lần đầu tiên Festival áo bà ba diễn ra tại Hậu Giang và sẽ được tổ chức hằng năm, qua đó để người dân biết đến nhiều hơn về chiếc áo bà ba cũng như về vùng đất và con người Hậu Giang nói riêng, Nam bộ nói chung.
Sau Festival Áo bà ba, Hậu Giang cũng sẽ tổ chức một số sự kiện chào mừng 20 năm thành lập tỉnh như Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Tuần lễ Du lịch với Văn hóa và Ẩm thực; Chương trình Nghệ thuật kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh...Thông qua các sự kiện, Hậu Giang giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu của Hậu Giang sau 20 năm thành lập./.
Hoài Nhớ