Thứ Năm, 3/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 16/9/2009 8:29'(GMT+7)

Formaldehyde và nguy cơ tiềm ẩn

Formaldehyde trong quần áo trẻ em không vượt quá 30mg/kg. Ảnh: Báo Việt Nam

Formaldehyde trong quần áo trẻ em không vượt quá 30mg/kg. Ảnh: Báo Việt Nam

Theo thông tư hướng dẫn, hàm lượng formaldehyde tồn dư cho phép trong các sản phẩm dệt may dành cho trẻ em như quần áo, mũ, tất… là dưới 30mg/kg, đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da như quần áo các loại, váy, khăn… dưới 75mg/kg và các sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với da như rèm cửa, vải bọc… là dưới 300mg/kg.

Quy định này cũng được áp dụng đối với tất cả sản phẩm dệt may sản xuất trong nước và nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công thương) cho biết: “Formaldehyde là sản phẩm được phép sử dụng nhằm làm phẳng quần áo, nếu vượt ngưỡng thì có nguy cơ ảnh hưởng đến da, gây ung thư”.

Việc kiểm tra xác định hàm lượng hóa chất tồn dư sẽ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, để kiểm tra được cũng không phải là việc dễ dàng khi có quá nhiều chủng loại quần áo, vải vóc đang lưu hành trên thị trường. Trong đó, nhiều loại không rõ nguồn gốc xuất xứ và được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.

Chỉ tính riêng phố Phùng Khắc Khoan (Hà Nội), lượng vải vóc bán tại đây có đến hàng nghìn mẫu. Còn tại một cửa hàng quần áo trẻ em trên vỉa hè, số quần áo xuất xứ Trung Quốc có đến hàng trăm chiếc. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng Việt Nam lại rất ưa chuộng các sản phẩm này.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Cửa hàng Thanh Bình, Chợ Hôm (Hà Nội): “Người ta mua hàng Trung Quốc vì thứ nhất là hợp mắt, thứ hai là rẻ… Cùng một loại vải, hàng trong nước là 18.000đ/m, hàng Trung Quốc là 12.000đ, chất liệu có khi còn đẹp hơn…”

Cũng theo bà Phạm Thu Giang, người tiêu dùng không nên mua loại hàng rẻ tiền quá, vì rẻ tiền thì họ sử dụng nhiều hóa chất, không đảm bảo cho sức khỏe. Nên chọn hàng có thương hiệu và giặt trước khi sử dụng…

Vụ KHCN cho rằng, để kiểm soát hàm lượng formaldehyde trong các sản phẩm dệt may, cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan như hải quan, quản lý thị trường… và đặc biệt là sự phối hợp của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, thì những nguy cơ tiềm ẩn từ các loại hóa chất tồn dư trên sản phẩm vẫn còn./.

(Theo VTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất