Thứ Bảy, 12/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 14/9/2011 10:46'(GMT+7)

Gác lại bất đồng, bắt tay vì kinh tế và phát triển

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng David Cameron tại Mátxcơva. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng David Cameron tại Mátxcơva. Ảnh: AP

 Gác lại nhiều bất đồng, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Anh được đánh giá là thành công trong việc tạo ra cách tiếp cận mới dựa trên sự hợp tác và mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Quan hệ Nga - Anh bị "đóng băng" sau vụ cựu điệp viên Nga A.Lít-vi-nen-cô bị ám sát ở Luân Ðôn năm 2006 và Nga từ chối dẫn độ A.Lu-gô-vôi, người mà Anh cáo buộc là nghi phạm chính, sang Luân Ðôn để xét xử. Căng thẳng dâng cao đã dẫn tới việc Nga và Anh trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và Mát-xcơ-va quyết định đóng cửa các văn phòng của Hội đồng Anh tại Nga. Ðến nay, hai nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề này. Trong bài phát biểu tại Ðại học Tổng hợp Mát-xcơ-va nhân chuyến thăm, ông Ca-mơ-rôn tuyên bố Anh sẽ tiếp tục nỗ lực đưa kẻ sát hại A.Lít-vi-nen-cô ra tòa; điều mà Nga phản đối, vì cho rằng chưa có đủ bằng chứng.

Xy-ri cũng là một trong những vấn đề mà Mát-xcơ-va và Luân Ðôn chưa thu hẹp được bất đồng. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh, Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép cho rằng, hiện Ða-mát chịu quá nhiều biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt, nên việc gia tăng sức ép đối với Xy-ri vào thời điểm này là không cần thiết, song quan điểm của ông Ca-mơ-rôn vẫn muốn duy trì sức ép đối với Xy-ri khiến cuộc khủng hoảng tại đây vẫn bế tắc.

Dù chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các bất đồng chính trị tại các cuộc hội đàm cấp cao, nhưng cả Nga và Anh đều xác định mục tiêu "liên kết hơn là chia rẽ" và tìm cách tránh những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ song phương. Thủ tướng Ca-mơ-rôn khẳng định, cả Luân Ðôn và Mát-xcơ-va sẽ cùng được lợi nếu quan hệ song phương trở nên gần gũi hơn, đặc biệt trong bối cảnh cả hai nước đang phải đối phó nhiều thách thức chung như chủ nghĩa khủng bố, việc phổ biến vũ khí hạt nhân...

Tạm gác các bất đồng về chính trị, hai nước quyết tâm "phá băng" quan hệ và bắt tay nhau vì mục đích hợp tác kinh tế. Thủ tướng Ca-mơ-rôn tuyên bố, Nga vẫn là đối tác quan trọng của Anh và Luân Ðôn ủng hộ Mát-xcơ-va gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vấn đề Nga hy vọng có thể kết thúc vào cuối năm nay do tiến trình đàm phán gặp nhiều trở ngại và kéo dài dai dẳng suốt 18 năm qua. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Anh, 24 giám đốc điều hành các tập đoàn lớn ở Anh, trong đó có Giám đốc Tập đoàn Dầu khí BP, đã tới Nga thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh. Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác thương mại song phương với tổng trị giá 340 triệu USD, trong đó có bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Trung tâm tài chính tại Mát-xcơ-va. Trên thực tế, mặc dù căng thẳng về chính trị kéo dài, song hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước vẫn phát triển năng động. Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương tăng 49% so với cùng kỳ năm 2010; đạt 10,3 tỷ USD. Anh đứng vị trí thứ năm trong số các quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Nga.

Có thể thấy, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Anh Ð.Ca-mơ-rôn nhằm làm "tan băng" trong quan hệ song phương đã ít nhiều đạt kết quả. Dù hai bên chưa khôi phục hoàn toàn mối quan hệ và những bất đồng vẫn hiển hiện, song các kênh liên lạc và việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, Nga và Anh đều cho rằng, cả hai nước sẽ được lợi khi quan hệ song phương "ấm lại".

Bích Hạnh (www.nhandan.org.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất