Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, Việt Nam là một trong những quốc
gia đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm và
suy thoái môi trường. Trong đó, ô nhiễm làng nghề là tác nhân chính hủy hoại môi
trường và đe dọa tới sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Nhận thức được mối quan ngại trên, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường
cùng với Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp “mạnh tay,” nhưng
tình trạng ô nhiễm làng nghề dường như vẫn chưa được kiểm
soát.
Gây ô nhiễm, lẩn tránh chế tài
Theo thống
kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được
công nhận và 3.200 làng có nghề. Trong số đó có nhiều làng nghề trá hình, lấy
danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, cũng như lẩn
tránh các chế tài về bảo vệ môi trường.
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề
điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề có môi trường (không
khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa. Hiện
nay, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn tiếp tục có những diễn biến phức
tạp.
Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 46 làng nghề thuộc các
lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực-thực phẩm, luyện
kim-cơ khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) mới đây cũng cho thấy
45/46 làng nghề (chiếm 97,8%) có chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt
quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,3 lần, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người
dân.
Điển hình như các làng nghề ở thành phố Hà Nội: Làng nghề lụa Vạn
Phúc, quận Hà Đông có nồng độ H2S vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,8-3,1 lần; làng
nghề sơn mài Hạ Thái và lược sừng Thụy Ứng thuộc huyện Thường Tín có chỉ tiêu
hàm lượng SO2 vượt 1,3-1,6 lần tiêu chuẩn cho phép; làng nghề lương thực thực
phẩm Yên Viên, huyện Gia Lâm chỉ tiêu S02 vượt 1,4-1,8 lần.
Cũng như Hà
Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường tại hầu hết các tỉnh-thành phố như Bắc Ninh,
Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định cũng được đánh giá khá phức tạp, có nơi
khó kiểm soát.
Lo lắng trước
vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh Nam Định, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng
nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn những thách thức lớn. Đáng chú ý, tại một số làng
nghề chuyên cơ khí đúc Vân Chàng, Đồng Côi… tỷ lệ người ung thư khá
cao.
Theo ông Hưng, hiện tại việc quản lý, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi
trường làng nghề trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn, do ý thức bảo vệ môi trường
của các hộ sản xuất quá yếu. Ngoài ra nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi
trường, nhất là là môi trường làng nghề, còn hạn chế.
“Tuy nhiên, vấn đề
cốt lõi hiện nay là thanh tra môi trường còn hạn chế, các văn bản hướng dẫn xử
lý và khắc môi trường ban hành còn chậm hơn so với thực tiễn đã dẫn đến những
bức xúc liên quan trực tiếp đến ô nhiễm môi trường,” ông Hưng nhìn
nhận.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định,
hoạt động tại nhiều làng nghề thời gian qua đã phát triển mạnh, mở rộng cả về
quy mô và diện tích. Do vậy, lượng chất thải tại các làng nghề hầu như không
được xử lý đúng kỹ thuật, dẫn tới việc xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô
nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm.
Đặc biệt, nhiều làng nghề chăn
nuôi và giết mổ còn phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ
trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa gây ảnh hưởng trực tiếp
đến năng xuất, sản lượng lúa của người dân.
Thắt chặt quản lý làng
nghề
Theo nhận định của Tổng cục Môi trường, (Bộ Tài nguyên và
Môi trường), ô nhiễm môi trường làng nghề chủ yếu tại các làng nghề hiện nay là
ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước (nước mặt, nước ngầm). Mức độ ô nhiễm tại
các làng nghề ngày một gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.
Thừa
nhận thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến,
cho biết ô nhiễm môi trường làng nghề luôn là vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Tuy
nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém,
khiến môi trường ở một số nơi chưa được kiểm soát.
Bởi vậy, việc quan
trọng của ngành tài nguyên và môi trường, Ủy ban Nhân dân các tỉnh là phải siết
chặt công tác quản lý, ngăn chặn kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách trong
thời gian tới. Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu
công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện
môi trường nông thôn, làng nghề...
Từ bức tranh làng nghề địa phương, Phó
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cho rằng để đẩy lùi ô nhiễm và cải thiện
môi trường, đặc biệt là môi trường làng nghề, ngành tài nguyên và môi trường cần
ban hành các văn bản kịp thời và “quyết liệt hơn.”
Các chuyên gia
môi trường cũng khẳng định, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện
nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tại các địa phương cần phối hợp với các ngành
chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp giúp làng nghề khắc phục tình
trạng ô nhiễm làng nghề theo hướng “phát triển sạch hơn.”
Theo đó, giải
pháp trước mắt là tập trung xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ
các phương tiện sản xuất bằng máy móc; vận động các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở
các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường; xây
dựng một số trạm xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến nông sản có mức độ ô
nhiễm lớn.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, từ nay đến
năm 2015, các địa phương cần tiếp tục triển khai xử lý ô nhiễm môi trường tại
các làng nghề có mật độ ô nhiễm cao; khẩn trương đưa các làng nghề gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng vào các cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch, góp
phần cải thiện môi trường, nâng cao sức khỏe người dân ở các làng nghề và người
dân./.
Hùng Võ
(Vietnam+)