Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 23/7/2013 9:39'(GMT+7)

Gần 6.000 người khuyết tật được dạy nghề mỗi năm

Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2006 – 2010, tổng số người khuyết tật trên cả nước được dạy nghề là gần 30.000 người, chỉ đạt hơn 37% so với mục tiêu đề ra theo Đề án trợ giúp người khuyết tật của Chính phủ. Trong số đó chỉ có hơn một nửa được tạo việc làm.

 Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều người khuyết tật vẫn không tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề, tạo việc làm. Mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn và chi phí cao hơn so với dạy nghề thông thường.

“Phần lớn các địa phương chưa thành lập Quỹ việc làm cho người khuyết tật, sự trợ giúp theo quy định của pháp luật với người khuyết tật và các tổ chức Hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật còn hạn chế”, ông Liêu cho biết.

 Tính từ năm 1995 đến nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật và số lao động là người khuyết tật đã tăng gấp đôi, lần lượt là 400 cơ sở và trên 15.000 lao động. Riêng Hội người mù quản lý 146 cơ sở, thu hút khoảng 4.000 lao động. Tuy vậy, khó khăn trong việc tìm được việc làm vẫn là một thực trạng mà người khuyết tật phải đối mặt.

 Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Tổng cục Dạy nghề cho biết, mục tiêu giai đoạn 2012 – 2015, sẽ có 250.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm phù hợp và sẽ nâng lên 300.000 vào giai đoạn 2016 – 2020. “Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tập trung thí điểm một số mô hình như dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề đáp ứng nhu cầu cá nhân người khuyết tật để có cơ hội tìm việc làm trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Dạy nghề theo các dự án và dự án nhỏ sẽ trở thành mô hình phổ biến hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Thủy cho biết.


(Theo Bộ LĐ,TB,XH)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất