Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 3/8/2016 14:41'(GMT+7)

Gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với công tác xây dựng Đảng

Sáng 3/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết công tác năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trong những năm vừa qua, nhất là trong năm học 2015 - 2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị đã nỗ lực phấn đấu, tích cực đổi mới các mặt hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tổng kết năm học được trình bày tại buổi lễ đã nêu bật những kết quả, thành tích mà Học viện đã đạt được trong năm học vừa qua. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Học viện và các trường chính trị đã từng bước mở rộng quy mô đào tạo; quan tâm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đã đưa vào sử dụng bộ giáo trình trung cấp và cao cấp lý luận chính trị mới với nhiều chuyên đề chứa đựng những kiến thức cơ bản, gắn lý luận với thực tiễn và những tri thức hiện đại có chọn lọc. Ban Giám đốc Học viện đã coi trọng và tích cực chỉ đạo triển khai các lớp bồi dưỡng theo chức danh, nổi bật là các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp ở Trung ương; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các tỉnh, thành phố; các lớp bồi dưỡng bí thư cấp uỷ cấp huyện... Đã tham gia tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước Lào; của Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Môdămbích... Phương pháp giảng dạy tích cực được áp dụng một cách phổ biến, góp phần thúc đẩy việc tự nghiên cứu, tự đào tạo của học viên. Công tác quản lý đào tạo có một số cải tiến. Với những nỗ lực đó, Học viện và các trường chính trị đã góp phần quan trọng trong việc tham gia chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng như tiếp tục chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đương chức và dự nguồn của hệ thống chính trị.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được coi trọng ở cả Học viện và các trường chính trị. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, phát huy trí tuệ, công sức và sự tâm huyết của các nhà khoa học, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai, nổi bật là Chương trình nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và đã tổ chức một số hội thảo quan trọng. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã hoàn thành nhiều công trình, bộ sách có giá trị. Các trường chính trị tỉnh, thành phố thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và ứng dụng triển khai do cấp uỷ và chính quyền địa phương giao. Kết quả của các hoạt động này đã trực tiếp phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy; đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ cán bộ của Học viện và các trường chính trị được chăm lo xây dựng cả về chính trị tư tưởng, đạo đức và tri thức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học... Cơ sở vật chất từng bước được tăng cường. Chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Học viện.

Sau Đại hội Đảng, mặc dù có sự chuyển giao Giám đốc Học viện, Ban Giám đốc và Đảng uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các mặt công tác, bảo đảm sự ổn định và bước đầu tạo ra những chuyển biến trong toàn hệ thống Học viện.

Những kết quả nổi bật nêu trên đã củng cố vị thế của Học viện và các trường chính trị; khẳng định uy tín của đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức hết lòng vì sự nghiệp "trồng người" của Đảng. Có được những kết quả đó, trước hết, là nhờ công sức, trí tuệ và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên đang công tác tại hệ thống trường đảng của cả nước.

Tại buổi lễ, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh đã chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, kết quả và thành tích mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua.

Tán thành phương hướng, nhiệm vụ năm học do đồng chí Giám đốc Học viện trình bày và hoan nghênh chủ đề thi đua trong năm học mới là: "Kỷ cương, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả", đồng chí Đinh Thế Huynh đã nhấn mạnh một số vấn đề đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Một là, nhìn lại 30 năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có trụ vững và đột phá, phát triển đi lên được hay không, phụ thuộc rất lớn vào quy mô và chất lượng nguồn nhân lực, vào đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đội ngũ này phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có đức có tài, vừa "hồng" vừa "chuyên"; có nhân cách và phong cách cán bộ cách mạng; hội tụ cả năng lực tư duy lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đây chính là yêu cầu đòi hỏi, là nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ra đối với Học viện và các trường chính trị.

Hai là, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", bên cạnh những kết quả bước đầu quan trọng đã đạt được, cũng còn không ít những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có những hạn chế, yếu kém trực tiếp liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tức là liên quan đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cần thấy rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn bất cập : Giáo dục lý luận chưa đạt chiều sâu; trình độ nắm bắt, tổng kết thực tiễn chưa cao; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chưa thuần thục; rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống cho học viên chưa được chú trọng đúng mức... Như vậy, vấn đề đặt ra là cần gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Ba là, công cuộc đổi mới của đất nước và những chuyển biến sâu rộng diễn ra trên mọi mặt của đời sống thế giới đương đại đang đặt ra rất nhiều vấn đề hệ trọng và cấp bách, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức đúng, luận giải thấu đáo và đề ra các chủ trương, quyết sách kịp thời, phù hợp. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cần tập hợp, tổ chức các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết nhất, trong đó nhận thức, làm sâu sắc hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, v.v.. Tư duy lý luận và công tác nghiên cứu lý luận của chúng ta rõ ràng là đang đứng trước thách thức to lớn và đây cũng là cơ hội để chúng ta phấn đấu vươn lên. Học viện và các trường chính trị cần có giải pháp đột phá, thật sự đổi mới trong nghiên cứu lý luận, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận; đồng thời, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách.

Bốn là, trong hệ thống nhà trường của Đảng, cán bộ, giảng viên nhất thiết phải là những đảng viên gương mẫu. Là cán bộ, giảng viên lý luận chính trị, nhất thiết chúng ta phải nắm vững lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước để giảng dạy có hiệu quả. Lên lớp trước các học viên đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì giảng viên cần am hiểu thực tiễn, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Đây chính là thuộc tính đặc sắc, tạo nên nét đặc thù của đội ngũ cán bộ, giảng viên của hệ thống trường Đảng.

Với niềm tin tưởng sâu sắc và những tình cảm gắn bó, thân thiết, đồng chí Đinh Thế Huynh đã gửi lời chúc toàn thể các đồng chí dồi dào sức khoẻ, tràn đầy quyết tâm đem trí tuệ và tâm huyết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới; góp phần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

* Nhân dịp nay, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Đinh Thế Huynh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba cho lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất 
cho đồng chí Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất