Chủ Nhật, 6/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 29/4/2015 20:56'(GMT+7)

Gặp mặt các đại biểu tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris về Việt Nam cách đây hơn 40 năm

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Bình tại buổi gặp mặt.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Bình tại buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng,  Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7; Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và gần 40 đại biểu là những anh chị em tham gia và hỗ trợ Hội nghị Paris về Việt Nam từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam bồi hồi xúc động: “Ngày  27/1/1973, khi đặt  bút ký vào hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, tôi vô cùng xúc động. Đến hôm nay, sau hơn 40 năm, anh chị em chúng ta cùng nhau nhắc lại lịch sử những năm ấy, trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trong buổi gặp mặt hôm nay, tuy đầu mọi người đã bạc, dáng người không còn phong độ như xưa nhưng vẫn giữ được nụ cười nồng hậu, những nụ cười đã từng thu hút được bạn bè từ khắp năm châu… Nhớ lại những hoạt động sôi nổi của những ngày ấy, chúng ta xúc động tự hào đã cùng với các đồng chí và bà con góp phần nhỏ của mình vào thắng lợi to lớn của dân tộc”.

Nhớ lại lịch sử của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Nguyễn Thị Bình cho biết: Cuộc đấu tranh tại Hội nghị Paris kéo dài 5 năm (từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973), một cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử để bàn việc chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm. Cán bộ, nhân viên ở hai đoàn đàm phán: Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam không nhiều mà làm đủ mọi việc, từ việc đấu tranh trực diện với đối phương, gặp gỡ báo chí, tiếp xúc, vận động bạn bè quốc tế đến công việc hậu cần cho đoàn. Nhưng chúng ta cảm thấy lòng luôn hăng hái và tự tin, vì chúng ta biết bên cạnh mình là cả một dân tộc đoàn kết một lòng, với một đội quân anh hùng và xung quanh chúng ta có kiều bào yêu nước, không giàu tiền bạc nhưng giàu tấm lòng yêu quê hương và rộng hơn, chúng ta có bạn bè quốc tế đoàn kết khắp năm châu. 
“Mọi người đều tâm niệm: Cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và thống nhất đất nước dù kéo dài bao lâu, nhất định sẽ thắng lợi. Chúng ta tin ở chính nghĩa, tin ở các đồng chí lãnh đạo, tin ở quân đội ta, ở nhân dân ta nên chúng ta vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng” - đồng chí Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 khẳng định: Cách đây 42 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”; là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. 
Trung tướng Phạm Văn Dỹ nhấn mạnh, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Trước hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng. Bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Bài học về tầm quan trọng của thực lực. Bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong không khí ấm cúng của cuộc gặp mặt lịch sử này, các đại biểu đã bày tỏ niềm tin, rằng với truyền thống của dân tộc, với thắng lợi trọng đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà cả thế giới khâm phục, mỗi người dân Việt Nam tin tưởng ở tiền đồ của đất nước, tương lai của dân tộc.

Tại buổi gặp mặt, Bộ Ngoại giao đã trao tặng “Kỷ niệm chương Hội nghị Paris về Việt Nam” cho đồng chí Nguyễn Thị Bình. Dịp này, đồng chí Nguyễn Thị Bình cũng trao tặng cho tất cả các thành viên đã công tác và hỗ trợ tại Hội nghị Paris về Việt Nam kỷ niệm chương và quà lưu niệm của buổi gặp mặt.

Trần Thụy Du

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất