Ngày 20/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gặp mặt các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc (gồm các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai; Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh).
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Cuộc gặp mặt các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc là hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Đây cũng là cơ hội để các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực, phù hợp với dân tộc mình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng hiệu quả trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Họ là nhân tố quan trọng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật mới của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến với đông đảo đồng bào các dân tộc…
Tại cuộc gặp mặt, các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc đã nêu rõ những nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, mất bản sắc trong cộng đồng các dân tộc, đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Ông Mai Thanh Sợi, người có uy tín dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho hay: Thời kỳ hội nhập, văn hóa của cộng đồng các dân tộc có nhiều nguy cơ mai một, thậm chí là mất hẳn, nhiều người trẻ tuổi không am hiểu về chính văn hóa của dân tộc mình. Ông Mai Thanh Sợi cho hay: Mất đi văn hóa dân tộc có nghĩa là mất dân tộc, sẽ dẫn tới sự ra đời của một dân tộc “lửng” không thông thuộc văn hóa của dân tộc nào. Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào từng dân tộc phải có cách giáo dục, đào tạo để chính con em dân tộc mình thấm nhuần, hiểu được truyền thống, văn hóa quý báu của cha ông.
Trong hơn 20 năm qua, ông Mai Thanh Sợi đã tiến hành sưu tầm, lưu giữ lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Tày ở vùng Nghĩa Đô thành 12 chuyên đề riêng biệt như hát ru, ca dao, tục ngữ… Ông luôn mong muốn xuất bản những chuyên đề này thành sách để đồng bào Tày cùng tham khảo. Ông cho rằng, ngành văn hóa cần tổ chức cho đồng bào mỗi dân tộc tự sưu tầm, lưu giữ văn hóa của chính dân tộc mình. Việc này nên thực hiện càng sớm càng tốt…
Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là người đã dành cả đời nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ đồng bào dân tộc Thái. Ông được coi là “pho sử sống” của đồng bào Thái, có công lớn trong việc gìn giữ, truyền dạy múa xòe, cũng như xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa xòe ở Mường Lò thành di sản văn hóa phi vật thể. Ông Lò Văn Biến đồng tình với việc tổ chức cho đồng bào mỗi dân tộc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào mình…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thời gian qua tuy đã có chuyển biến nhưng văn hóa truyền thống các dân tộc vẫn đứng trước nhiều thách thức. Văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số có nguy cơ cao bị mai một, biến dạng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Một số truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào chưa được gìn giữ, phát huy đúng mức, phát triển các giá trị mới còn hạn chế.../.
Thanh Giang/TTXVN