Thứ Ba, 17/12/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 9/3/2014 15:0'(GMT+7)

Gậy ông đập lưng ông?

Một công nhân của Gazprom vận hành đường ống cấp khí đốt. (Ảnh: AFP)

Một công nhân của Gazprom vận hành đường ống cấp khí đốt. (Ảnh: AFP)

Theo Ria Novosti, hôm 7/3, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ G.Ke-ri (John Kerry), Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp  (Sergei Lavrov) nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt chắc chắn sẽ là đòn "gậy ông đập lưng ông".

Trên thực tế, nếu như Oa-sinh-tơn đã chính thức áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể mà Mỹ xác định là “xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hoặc tài sản của U-crai-na” thì EU vẫn “dè dặt” đe dọa sẽ có các biện pháp cụ thể nếu Nga có các động thái liên quan đến tình hình bán đảo Crưm.

Theo báo Độc lập” (Nga), EU có lý do để làm như vậy. Trong khi Mỹ, quốc gia “đầu trò” trong cuộc chơi chống Nga chưa lọt vào tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của Nga và thiệt hại nếu có sẽ không đáng kể, thì nền kinh tế lớn của EU như Đức  lại rất dễ bị tổn thương. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương Nga - Đức năm 2013 đạt gần 76 tỷ ơ-rô, trong đó Nga nhập khẩu hơn 40 tỷ và xuất khẩu sang Đức 36 tỷ. Các doanh nghiệp Đức hiện đầu tư vào Nga gần 20 tỷ ơ-rô ở các dự án rất dài hạn và triển vọng. Đức còn cần Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho nền kinh tế nước này và là khách hàng nhập khẩu ô tô lớn thứ tư của Đức. Trong khi Mỹ không cần đến các nguồn năng lượng của Nga và hợp tác kinh tế còn dừng lại ở con số hết sức khiêm tốn thì một sự xung đột với Nga ngay lập tức có thể khiến thị trường lao động của Đức mất đi 300.000 việc làm. Các nhà nghiên cứu kinh tế ở Đức cảnh báo Béc-lin không nên liều lĩnh leo thang căng thẳng với Nga. Một lệnh trừng phạt có thể làm hàng hóa Nga “bị cảm lạnh” một thời gian trên thị trường châu Âu, còn nền kinh tế Đức và thậm chí cả một số nước EU sẽ bị “chết cóng” cả một mùa đông dài ngay sau đó bởi thị phần khí đốt của Nga hiện chiếm đến hơn 30% tại thị trường châu Âu và ít có dấu hiệu giảm sút trong ngắn hạn, trong khi các nguồn cung mới chưa xuất hiện.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của EU dành cho Mát-xcơ-va sẽ có nguy cơ tác động đến sự ổn định của các thị trường tài chính. Chính nội các của Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn (David Cameron) cũng thừa nhận, kinh đô tài chính Luân Đôn có những ràng buộc vào nguồn vốn Nga. Luân Đôn là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, thu hút một lượng lớn các nhà tài phiệt và nhà đầu tư Nga đến sinh sống và làm ăn. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đi kèm đóng băng tài sản của Nga chắc hẳn sẽ gây xáo trộn lớn.

Theo giới phân tích, Mỹ luôn mong muốn EU cùng vào cuộc chống Nga để gia tăng sức nặng bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp trừng phạt từ chính trị, ngoại giao đến tài chính-kinh tế. Cho nên nếu như không có sự tham gia của các đồng minh ở lục địa già, các đòn trừng phạt đơn phương của Mỹ chỉ như “gãi ngứa”. Vì vậy, theo tờ New York Times, một số nhà lập pháp và công ty năng lượng Mỹ đang thúc đẩy việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong nỗ lực giảm bớt tầm ảnh hưởng của Nga tại đây. Tuy nhiên, nỗ lực xuất khẩu của Mỹ nhiều khả năng chỉ đạt kết quả khiêm tốn và chưa thể hiện rõ nét nếu chỉ trong vài năm. Theo tờ báo, nếu các công ty khí đốt Mỹ tràn vào thị trường châu Âu thì Nga sẽ không thể ngồi yên. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp M.Le-vi (Michael Levi) thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng, Nga sẽ đáp trả lại việc Mỹ xuất khẩu, ví dụ như biện pháp hạ thấp giá bán để các khách hàng châu Âu không thay đổi nhà cung cấp.

Mặc dù năng lượng là “vũ khí” quan trọng của  Nga làm đối trọng với phương Tây trong vấn đề U-crai-na, thế nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, lúc này chưa có khả năng Nga sẽ dừng cung cấp khí đốt cho EU vì nó cũng sẽ gây bất lợi cho Mát-xcơ-va. Theo ông M.Cô-chem-kin (Mikhail Korchemkin), người đứng đầu công ty tư vấn và phân tích khí đốt Đông Âu, một động thái như vậy có thể dẫn đến sự mất độc quyền về nhà cung cấp khí đốt của Tập đoàn Gazprom của Nga, vốn chiếm đến 13% kim ngạch xuất khẩu của nước này, tương đương với 10 tỷ USD. Ông M.Cô-chem-kin cho biết thêm rằng, Gazprom đặc biệt không muốn tiến thêm một bước như vậy trong khi các nước phương Tây đang đe dọa trừng phạt kinh tế. "Các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ khiến cho các công ty nhà nước của Nga sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn, như vậy Gazprom chỉ đơn giản là sẽ không có tiền để xây dựng dự án "Dòng chảy phương Nam", ông M.Cô-chem-kin nhận định./.

Hoàng Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất